Nâng kim ngạch thương mại Việt Nam - Mỹ Latinh lên 20 tỷ USD vào năm 2025

Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Mỹ Latinh lên khoảng 20 tỷ USD vào năm 2025, thu hút khoảng 12 - 13 tỷ USD đầu tư từ khu vực. Đây là nội dung được đề cập đến tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Mỹ Latinh năm 2021 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 9/12.

 Việt Nam đang đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, quan hệ kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh trong những năm gần đây không ngừng được mở rộng và phát triển. Cho đến nay, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với 33 quốc gia trong khu vực, với tổng kim ngạch thương mại 2 chiều tăng hơn 63 lần, từ 245 triệu USD năm 2000 lên 15,6 tỷ USD vào năm 2020; trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực đạt 8,3 tỷ USD và nhập khẩu đạt 7,3 tỷ USD.
Trong lĩnh vực hợp tác đầu tư, Việt Nam đã có một số dự án đầu tư tại Mỹ Latinh với số vốn lên tới hàng trăm triệu USD như dự án phát triển mạng viễn thông ở Haiti và Peru, sản xuất mỳ ăn liền ở Brazil. Ở chiều ngược lại, hiện có 27 quốc gia và vùng lãnh thổ tại Mỹ Latinh đầu tư tại Việt Nam với 297 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 9,3 tỷ USD.
Trong những năm qua, để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với các nước Mỹ Latinh, Việt Nam đã duy trì cơ chế Ủy ban Liên Chính phủ, Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế, Thương mại và Đầu tư với một số nước trong Khu vực như: Argentina, Brazil, Chile, Cuba, Haiti, Mexico, Panama, Paraguay, Peru, Uruguay và Venezuela. Các Ủy ban này là kênh quan trọng để hai bên trao đổi thông tin; xác định các lĩnh vực, cơ chế và dự án hợp tác; hỗ trợ và thúc đẩy thực hiện các chương trình hợp tác mà hai bên cùng quan tâm.
Việt Nam cũng đã ký kết nhiều hiệp định, thỏa thuận với một số nước trong khu vực, trong đó đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do với Chile được ký ngày 11/11/2011 và đi vào hiệu lực từ năm 2014. Tiếp đến là Hiệp định CPTPP, trong đó có 3 nước Mỹ Latinh gồm Mexico, Chile, Peru là thành viên. Hiệp định CPTPP đã đi vào thực thi gần 3 năm qua đối với Mexico, Chile và bắt đầu có hiệu lực từ tháng 9/2021 đối với thị trường Peru và đem lại những kết quả hết sức tích cực.
“Việt Nam mong muốn nâng cao hơn nữa giá trị kim ngạch thương mại và đầu tư với các nước trong khu vực, trong đó tập trung vào các lĩnh vực năng lượng, viễn thông, nông nghiệp kỹ thuật cao và các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết.
Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp hai bên vẫn đang tiếp tục đứng trước những thách thức trong hợp tác kinh doanh, từ khoảng cách địa lý xa xôi, chưa có tuyến vận tải hàng hóa và hành khách trực tiếp dẫn đến thời gian vận tải, đi lại dài và chi phí cao, sự khác biệt về ngôn ngữ và đặc biệt là ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu trong 2 năm qua làm đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Bộ Công Thương, trong thời gian tới, Chính phủ và các bộ ngành liên quan cùng với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các nước Mỹ Latinh sẽ nỗ lực để hỗ trợ các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về thông tin thị trường, làm cầu nối với các đối tác nước ngoài. Đồng thời, hỗ trợ giải quyết khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thâm nhập thị trường và kinh doanh tại khu vực.