Năng lực các doanh nghiệp vận tải chưa phục hồi hết

Hòa Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc áp lực vé Tết Nguyên đán ở cả 3 lĩnh vực hàng không, đường sắt và đường thủy đồng loạt giảm là điều hiếm xảy ra trong nhiều năm qua.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Dù hiện tại, tình hình dịch bệnh ở nước ta đã được kiểm soát tốt nhưng nguy cơ dịch bệnh từ bên ngoài vẫn đang rình rập, điều này khiến tâm lý người dân e ngại đi lại, đặc biệt là đi xa nếu như không thật sự cần thiết. Bên cạnh đó, trải qua một năm dịch bệnh và thiên tai tàn phá cũng khiến tài sản tích lũy và mức sống của người dân bị sụt giảm, điều này cũng làm cho kế hoạch du Xuân bị thay đổi cho phù hợp với túi tiền.
Dự kiến lượng hành khách qua các bến xe Tết Nguyên đán năm nay giảm so với cùng kỳ các năm trước. Ảnh: Vân Sơn.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho rằng, thị trường vận tải hành khách bằng ô tô bị “đóng băng” một thời gian vì dịch bệnh Covid-19 và hiện vẫn chưa thể phục hồi được. Thêm vào đó, nhu cầu đi lại của người dân giảm sút sẽ giúp cho thị trường vận tải hành khách bằng ô tô trải kỳ cao điểm Tết Nguyên đán “nhẹ nhàng” nhất từ trước đến nay.
“Dù các hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh đã được phục hồi từ lâu nhưng trên thực tế năng lực khai thác của nhiều nhà xe mới chỉ phục hồi được khoảng 40 - 50%. Cho dù nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết tăng đột biến so với thường ngày nhưng chắc chắn sẽ không bằng được cùng kỳ các năm trước” - chuyên gia Nguyễn Văn Thanh phân tích, và cho rằng, nếu như mọi năm các nhà xe sẽ tập trung tăng cường xe chạy để phục vụ cao điểm Tết. Bởi đây là thời điểm làm ăn tốt nhất trong năm của các DN vận tải. Chỉ có điều, không ít DN bị suy kiệt trong thời gian dịch bệnh vừa qua nên dù cao điểm Tết đã cận kề không phải DN nào cũng có đủ lực để tăng chuyến.
“Nhiều khả năng vẫn có những thời điểm “sốt vé” cục bộ vào những ngày giáp Tết. Song đây không phải điều đáng lo ngại bởi hầu hết các bến xe đều đã có sự chuẩn bị chu đáo cho cao điểm Tết rồi” - ông Nguyễn Văn Thanh nói.

Đối với lĩnh vực hàng không, PGS. TS Nguyễn Thiện Tống - chuyên gia hàng không cho biết, việc đường bay quốc tế vẫn đang tạm dừng khai thác là một trong những lý do giúp các hãng hàng không “rảnh tay” tập trung vào kế hoạch phục vụ nhu cầu đi lại dịp Tết của người dân. Bên cạnh đó, ngành hàng không đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết từ trước, tất cả đã sẵn sàng để đảm bảo nhu cầu đi lại bằng máy bay của người dân một cách tốt nhất trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu.
“Đường bay quốc tế ngừng khai thác tạo ra nhiều slot trống cho đường bay nội địa khai thác. Vì thế, các hãng hàng không có thể thoải mái tăng chuyến trong dịp Tết. Do đó việc khan vé máy bay dịp Tết Nguyên đán năm nay khó xảy ra” - PGS. TS Nguyễn Thiện Tống nói.

Việc đưa vào khai thác hai đường băng 1B ở sân bay Nội Bài và 25R ở sân bay Tân Sơn Nhất vào đầu tháng 1/2021 vừa qua là một sự bổ sung vô cùng quan trọng vào hạ tầng hàng không, điều đó giúp các sân bay tăng cường năng lực, đảm bảo phục vụ nhu cầu Tết tăng cao. “Nên nhớ dù đường bay nội địa đã phục hồi nhưng vì tâm lý lo ngại dịch bệnh cũng như điều kiện kinh tế suy giảm sau một năm bị Covid-19 tàn phá nên nhu cầu đi lại bằng máy bay của người dân dịp Tết Nguyên đán năm nay chắc chắn sẽ giảm so với mọi năm” - chuyên gia Nguyễn Thiện Tống nhận định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần