Nâng mức phạt tối đa trong xử lý vi phạm hành chính

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều quy định mới liên quan đến xử lý vi phạm hành chính đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp vừa qua. Đặc biệt, trong đó bổ sung mức phạt tiền tối đa cho nhiều lĩnh vực trước đây chưa từng quy định.

Áp dụng mức phạt tối đa ở nhiều lĩnh vực
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính là luật quan trọng, liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân; trật tự quản lý hành chính Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, kinh tế- xã hội, nhận được sự quan tâm rất lớn của các đại biểu Quốc hội, dư luận xã hội và cử tri.
Với Luật vừa được thông qua, đã tăng mức xử phạt ở nhiều lĩnh vực. Trong đó, quy định mức phạt tiền tối đa với các cá nhân lên đến một tỷ đồng nếu vi phạm quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa; quản lý hạt nhân và chất phóng xạ; năng lượng nguyên tử; tiền tệ, kim loại quý, đá quý, ngân hàng, tín dụng; hoạt động dầu khí và khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; thủy sản.
 Công an quận Hoàn Kiếm xử lý hành chính người không đeo khẩu trang trên địa bàn. Ảnh: Hải Linh
Luật cũng nâng mức phạt tối đa 500 triệu đồng nếu vi phạm ở lĩnh vực xây dựng; lâm nghiệp; đất đai; kinh doanh bất động sản; mức phạt 250 triệu đồng áp dụng với lĩnh vực điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; thủy lợi; sở hữu trí tuệ; báo chí; mức phạt 200 triệu đồng áp dụng với lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Mức phạt 150 triệu đồng áp dụng với lĩnh vực quản lý giá; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý, phát triển nhà và công sở; đấu thầu; đầu tư. Đồng thời, bổ sung thêm mức phạt tối đa cho nhiều lĩnh vực trước đây chưa từng quy định như xử phạt hành chính lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp, tín ngưỡng, đối ngoại, in, an toàn thông tin mạng...

Liên quan đến quy định “vi phạm hành chính nhiều lần, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, để khắc phục bất cập này, luật lần này đã chỉnh lý theo hướng: Một người thực hiện vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi, trừ trường hợp được Chính phủ quy định áp dụng tình tiết tăng nặng.

Bổ sung thẩm quyền xử phạt

Một điểm mới đáng lưu ý là Luật đã bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự; sửa đổi thẩm quyền xử phạt của thủ trưởng cơ quan hải quan và cơ quan thuế (từ chi cục trưởng trở lên) đối với 3 hành vi cụ thể trong lĩnh vực thuế đã được Luật Quản lý thuế quy định.

Về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, Luật quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là một năm, trừ một số trường hợp liên quan đến tài chính, kinh doanh, sở hữu trí tuệ, đất đai, báo chí, buôn bán hàng cấm, hàng giả…. Các vi phạm này có thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 2 năm. Một điểm gây nhiều tranh cãi trong quá trình thảo luận Dự Luật này là có bổ sung ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước là một biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hay không.
Tuy nhiên, sau quá trình tiếp thu, Luật thông qua đã không bổ sung nội dung này. Cùng với đó, Luật quy định đối tượng người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo hướng dẫn chiếu đến Luật Phòng, chống ma túy, để giúp tránh phát sinh mâu thuẫn giữa hai luật.

Để thi hành Luật này, Chính phủ, các bộ, ngành cũng sẽ cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhiều nghị định, thông tư quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính. Do vậy, Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, thay vì 1/7/2021 như phương án đề xuất ban đầu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần