Nắng nóng bắt đầu quay trở lại, người dân cần đề phòng với dịch bệnh

Khang Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo, ngày 24/5, khu vực Hà Nội mây thay đổi ngày nắng, có nơi có nắng nóng. Gió Đông Nam cấp 2-3. Độ ẩm từ 60-96%. Nhiệt độ cao nhất 33-36 độ C.

Trung tâm này thông tin, từ ngày 24/5, nắng nóng bắt đầu quay trở lại Bắc Bộ và Trung Bộ, một số nơi vùng núi nhiệt độ tăng lên 36 độ C.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục có mưa rào và dông rải rác về chiều.
Chi tiết cho các khu vực ngày 24/5: Phía Tây Bắc Bộ mây thay đổi, ngày nắng, riêng Hòa Bình-Sơn La có nơi có nắng nóng. Gió nhẹ. Độ ẩm từ 58-98%. Nhiệt độ cao nhất 32-35 độ C, có nơi trên 35 độ C.
 
Phía Đông Bắc Bộ mây thay đổi, ngày nắng, có nơi có nắng nóng. Gió Đông Nam cấp 2-3. Độ ẩm từ 60-98%. Nhiệt độ cao nhất 33-36 độ C.
Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế mây thay đổi, ngày nắng, riêng vùng núi phía Tây có nắng nóng. Gió nhẹ. Độ ẩm từ 57-94%. Nhiệt độ cao nhất 32-35 độ C; vùng núi phía Tây 35-37 độ C.
Đà Nẵng đến Bình Thuận mây thay đổi, ngày nắng. Gió nhẹ. Độ ẩm từ 55-93%. Nhiệt độ cao nhất 32-35 độ C.
Tây Nguyên và Nam Bộ mây thay đổi, ngày nắng, chiều tối có mưa rào và dông rải rác. Gió nhẹ. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh. Độ ẩm từ 58-95%. Nhiệt độ tại Tây Nguyên cao nhất 30-33 độ C; tại Nam Bộ cao nhất 31-34 độ C.
Trên biển, hầu khắp các vùng biển có mưa rào và dông vài nơi, gió cấp 3, tầm nhìn xa thoáng trên 10km.
Từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang có mưa rào và dông rải rác, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. Tầm nhìn xa trên 10km, giảm xuống 4-10 km trong mưa. Gió Đông cấp 3.

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), thời tiết nắng, nóng làm cơ thể ra mồ hôi nhiều nếu không được bù nước đầy đủ sẽ gây mất nước, điện giải; đồng thời nếu bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp dễ gây bị nhiễm lạnh; việc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy cấp. Ngoài ra môi trường nắng nóng là điều kiện rất thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển, lây lan và gây bệnh như sốt do vi rút, bệnh đường hô hấp, bệnh đường tiêu hóa, bệnh viêm da do tụ cầu…

Để chủ động phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để quạt thổi trực tiếp gần vào người để phòng bệnh đường hô hấp.

- Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, tăng cường ăn hoa quả để đảm bảo đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể.

- Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

- Thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy; Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần