Nắng nóng, cẩn thận với bệnh đột quỵ

Thúy Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nắng nóng quá mức có thể gây rối loạn các trung khu sinh tồn trong não khiến bệnh nhân dễ đột quỵ. Bệnh không chỉ xảy ra ở người già, người có bệnh huyết áp, tim mạch mà cả người trẻ, thanh niên và trẻ nhỏ. Vậy phải làm cách nào để phòng tránh?

 Kiểm tra sức khỏe cho người cao tuổi tại một trung tâm y tế ở Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Chảy máu não do nắng nóng
Anh Nguyễn Văn P. 45 tuổi (Thường Tín, Hà Nội) đang khỏe mạnh, nhưng hôm vừa rồi trời nắng gay gắt, anh đi làm đồng về, nghỉ ngơi một chút rồi dậy tắm thì thấy đau đầu dữ dội, đầu óc choáng váng. Anh nghĩ đơn giản do mệt nên đi nằm. Khi gia đình đến gọi anh dậy, anh đã rơi vào hôn mê, bất tỉnh. Sau khi cấp cứu cho bệnh nhân, bác sĩ cho biết, anh P. bị chảy máu não do vỡ phình động mạch não khi thay đổi thời tiết. Do điều trị muộn nên tình hình rất nguy kịch.

Tương tự bà Đỗ Thị T., 69 tuổi (Thanh Xuân, Hà Nội) chỉ ở trong nhà nhưng ra vào phòng điều hòa liên tục, lúc nóng lúc lạnh khiến bà ngất xỉu. Tại bệnh viện, bà được chẩn đoán chảy máu tiểu não bán cầu dẫn tới hôn mê sâu, suy hô hấp…

GS.TS Phạm Gia Khải - Chủ tịch Hội tim mạch Việt Nam cho biết, nắng nóng quá mức và thay đổi thời tiết đột ngột, có thể gây rối loạn các trung khu sinh tồn trong não. Theo thống kê, tỷ lệ bệnh nhân tử vong do đột quỵ trong tháng 6 - 7 cao so với các thời điểm khác trong năm, đặc biệt với người già. Nguyên nhân phổ biến nhất của đột quỵ là cơn tăng huyết áp, vữa xơ động mạch não và mảng vữa xơ bị nứt, xuất hiện cục máu đông, gây tắc động mạch não... Đột qụy thường xuất hiện nhanh chóng, để lại di chứng liệt, có khi gây tử vong nếu tổn thương nặng.

Theo TS Nguyễn Văn Tuấn – Bộ môn Thần kinh học, Học viên Quân y 103, đối tượng dễ bị đột quỵ khi thời tiết nắng oi nóng là người già, trẻ nhỏ, hoặc một số người kém thích nghi với nhiệt độ cao. Ngoài ra, người phải làm việc hoặc tập luyện quá lâu ở môi trường nắng nóng, thiếu các trang bị bảo hộ ngăn ngừa nắng. Bên cạnh đó, người đang mắc các bệnh mạn tính như tim, phổi, người béo phì, suy dinh dưỡng…
Cũng theo TS Tuấn, người sống ở khu vực thành thị dễ bị đột quỵ do nắng nóng hơn so với cư dân sinh sống ở các vùng nông thôn. Nguyên nhân là do hiệu ứng bê tông khiến nhiệt độ ở TP cao hơn nhiệt độ của thời tiết, trong khi vào ban đêm lại có hiệu ứng "đảo nhiệt", nghĩa là nhiệt độ giảm chậm hơn so với ở vùng nông thôn.

Đột quỵ do nắng nóng chủ yếu là do chảy máu não. Đây là bệnh rất nguy hiểm, khởi phát với rất ít dấu hiệu cảnh báo nhưng lại gây chết người nếu không được xử lý kịp thời.

Dễ tử vong nếu không cấp cứu kịp

Các chuyên gia y tế cho biết, đột quỵ là 1 trong 3 bệnh gây tử vong hàng đầu (tim mạch, ung thư, tai biến mạch máu não). Việc điều trị tốn kém mà hiệu quả không cao vì thường để lại di chứng nặng nề như tàn phế, yếu liệt, khiếm khuyết một chức năng nào đó trong cơ thể, không thể sinh hoạt một cách bình thường, sống thực vật. Các nghiên cứu cho thấy, 60 – 70% bệnh nhân sau tai biến sống phải có sự trợ giúp một phần hay hoàn toàn của người khác, không những thiệt thòi đối với bản thân và còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Theo TS Nguyễn Văn Tuấn, để phòng tránh, những người bị bệnh huyết áp, tim mạch, đái tháo đường... cần theo dõi thời tiết và kiểm soát huyết áp chặt chẽ khi thời tiết thay đổi. Nếu thấy người nôn nao khó chịu cần phải nghỉ ngơi, tránh sự gắng sức, giữ ấm cơ thể theo sự thay đổi của thời tiết. Trường hợp thấy các biểu hiện đột ngột như yếu nửa người; nói ngọng hoặc không nói được; tê bì hoặc liệt nửa mặt, nửa người; nhìn không rõ, đau đầu dữ dội, nôn mửa, có lúc thở nhanh dồn dập, có cơn ngừng thở ngắn hoặc hôn mê... cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt để bác sĩ xác định nguyên nhân và có hướng điều trị kịp thời.

Những đối tượng có nguy cơ đột quỵ do nắng nóng cao thì nên hạn chế ra ngoài trời vào mùa hè, nhất là những thời điểm nắng gắt. Khi sử dụng điều hòa, cần chú ý không để mức nhiệt chênh lệch quá lớn so với ngoài trời, nhất là người có bệnh tim mạch. Bên cạnh đó, mọi người cần bổ sung nước thường xuyên, kể cả khi không khát để đề phòng máu tăng đặc dẫn tới hình thành huyết khối. Nên mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, sáng màu, đeo kính râm và đội mũ rộng vành khi ra ngoài nắng. Đa phần người dân khi thấy bệnh nhân bị đột quỵ lại tưởng do trúng gió, bị cảm… nên thường đánh gió, cho uống uống nước chanh, nước gừng đường… Điều này rất nguy hiểm, tuyệt đối không được làm vì nước uống vào sẽ gây sặc đường thở, làm suy hô hấp cấp hoặc tăng huyết áp, nguy hiểm đến tính mạng.
Khung giờ vàng cấp cứu

Đột quỵ não là bệnh nặng nhưng nếu được cấp cứu kịp thời chúng ta có thể tránh được tử vong và mức độ di chứng của nó. Khi phát hiện trường hợp bị đột quỵ não, cần khẩn trương đưa người bị bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu. Khung giờ vàng cấp cứu là 3 giờ đầu tiên tính từ khi bị bệnh. Nếu cấp cứu kịp thời trong khung giờ này thì có thể làm giảm nguy cơ tử vong rất lớn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần