Nắng nóng đầu hè 2018: Nông nghiệp bị thiệt hại không nhỏ

Ánh Ngọc - Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nắng nóng gay gắt xảy ra trên diện rộng kéo dài hơn một tuần qua đã tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp. Để hạn chế tối đa ảnh hưởng do nắng nóng gây ra, nông dân ngoại thành Hà Nội đã và đang thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ cây trồng, vật nuôi.

 Anh Phùng Mạnh Hà, chủ vườn bưởi Diễn 3.000 gốc ở xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ bọc bao trái tránh rám nắng cho bưởi
Ngày 17/5, giữa cái nắng như đổ lửa, bà con nông dân vẫn phải nỗ lực tìm mọi cách chống nắng cho cây trồng, vật nuôi nhằm giảm tối đa thiệt hại. Anh Phùng Mạnh Hà, chủ vườn bưởi Diễn 3.000 gốc ở xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ chia sẻ, nắng nóng liên tiếp từ đầu tháng 5 đến nay khiến một lượng lớn bưởi của gia đình bị táp nắng. Nếu tình trạng này kéo dài, bưởi sẽ bị cháy nám vỏ và dẫn đến rụng quả. Vì vậy, anh Hà đã sử dụng dùng vỏ bao tải để che quả bưởi nhằm hạn chế ánh nắng mặt trời tiếp xúc trực tiếp.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều địa phương, nông dân thường tranh thủ ra đồng từ 4 – 5 giờ sáng hoặc sau 17 giờ chiều nhằm tránh thời điểm nắng nóng nhất trong ngày.
Chị Bùi Thị Thành, ở xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ cho hay: “Mấy ngày nay, nhiệt độ cao 38 - 39oC cộng với nắng gay gắt đã làm cho diện tích hành hoa của gia đình tôi bị héo rũ, giảm hơn 50% năng suất. Ngày nào tôi cũng phải ra đồng tưới nước cho hành từ 5 giờ sáng”. Nhiều hộ nuôi chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cũng bị ảnh hưởng nắng nóng.
Đơn cử, đợt nắng nóng vừa qua, hộ ông Trần Nam Dương, ở xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ bị thiệt hại 5 tấn cá thương phẩm. Ông Dương chia sẻ, thời tiết nắng nóng oi bức cộng với sự cố mất điện đột ngột trong đêm đã khiến cho ao nuôi cá hơn 1ha của gia đình ông bị thiếu oxy và chết hàng loạt.

Để giảm tối đa thiệt hại về kinh tế, Sở NN&PTNT Hà Nội khuyến cáo nông dân không nên lơ là, chủ quan, thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin dự báo thời tiết. Đối với diện tích nuôi trồng thủy sản, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Hoàng Tiến Minh cho biết, cần kịp thời bổ sung, duy trì mực nước trong ao nuôi từ 1,5 - 2m trở lên, đồng thời tăng thời gian sử dụng quạt đảo nhằm tạo ô xy, tăng cường trao đổi chất, bảo đảm vật nuôi sinh trưởng, phát triển.
Đối với chăn nuôi, Chi cục Thú y Hà Nội khuyến cáo các hộ dân cần sửa chữa chuồng trại để chắn gió nóng, giữ khô nền chuồng, vệ sinh sạch sẽ, lắp quạt thông gió. Bên cạnh đó, thường xuyên cung cấp đủ nước uống, giảm thức ăn tinh, tăng thức ăn xanh, thô và bổ sung vitamin, khoáng chất, điện giải...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần