Nắng nóng kéo dài, người dân Hà Nội có nguy cơ thiếu nước sạch

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nước thủy điện rất cạn, phải hết sức tiết kiệm giữ nước, tuy nhiên để phục vụ dân sinh khu vực Tây Hà Nội, EVN vẫn đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt của người dân, đặc biệt vào những lúc nắng nóng. Song nếu kéo dài tình trạng này, cũng sẽ không còn nước để xả phục vụ dân sinh.

Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) ngày 6/7 đã có văn bản số 2461/ĐĐQG-TTĐ do Giám đốc Nguyễn Đức Cường ký gửi Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà về việc điều tiết, vận hành hồ thủy điện Hòa Bình phục vụ cấp nước sinh hoạt cho người dân Hà Nội.
Mực nước tại hồ Thủy điện Hòa Bình đang rất cạn. Ảnh minh họa.
Theo đó, ngày 5/7, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (ĐĐQG) nhận được công văn số 269/2019/CV-VIWASUPCO của Công ty về việc tình trạng nước sông Đà xuống rất thấp phía hạ lưu đập thủy điện Hòa Bình; liên quan đến vấn đề này, ĐĐQG có ý kiến như sau:
Thứ nhất, hồ chứa thủy điện Hòa Bình đã và đang được các bên liên quan điều tiết, vận hành tuân thủ các quy định tại Quy trình vận hành liên hồ chứa do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành theo Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày 17/9/2015, Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 19/6/2019 (thay thế Quyết định số 1622/QĐ-TTg), các quy trình, quy định về điều tiết và khai thác hồ chứa có liên quan; các Thông tư, quy trình, quy định về vận hành hệ thống điện và thị trường điện.
Thứ hai, đến thời điểm hiện nay, mặc dù đã bước vào giai đoạn mùa lũ tuy nhiên lưu lượng nước về các hồ trên bậc thang sông Đà vẫn còn khá thấp, trong khi lượng nước còn lại không đáng kể; chính vì vậy, hồ thủy điện Hòa Bình đã và đang được khai thác hạn chế để đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là hệ thống điện miền Bắc trong thời gian còn lại của mùa khô năm 2019, với nhiều nhận định về các đợt nắng nóng cực đoan sẽ còn liên tiếp xuất hiện kéo theo nhu cầu sử dụng điện là rất lớn.
Thứ ba, đối với đề nghị của Công ty tại công văn nêu trên, mặc dù đây là yêu cầu phát sinh, chưa từng có trong các quy trình, quy định hiện hành; ĐĐQG đã báo cáo ngay EVN và nỗ lực thực hiện điều chỉnh chế độ khai thác hồ Hòa Bình đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh cung cấp điện cũng như các nhu cầu sử dụng nước ở hạ du.
EVN cho rằng, Công ty cấp nước cũng phải chủ động tìm giải pháp hạ độ cao họng lấy nước, để kể cả nước có thấp vẫn lấy được, không phụ thuộc vào chế độ vận hành của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình.
Thứ tư, để đảm bảo hài hòa các nhu cầu sử dụng nước từ bậc thang sông Đà, đề nghị Công ty có các giải pháp ngắn hạn, dài hạn về công trình để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, thích ứng với các chế độ điều tiết, vận hành hồ chứa thủy điện Hòa Bình, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng gay gắt như hiện nay và thời gian tới.
Trước tình trạng nước thủy điện rất cạn, phải hết sức tiết kiệm giữ nước, tuy nhiên để phục vụ dân sinh khu vực Tây Hà Nội, EVN vẫn đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt của người dân, đặc biệt vào những lúc nắng nóng. Mặc dù vậy, EVN cho rằng nếu kéo dài cũng sẽ chẳng còn nước mà xả.
Do đó, Công ty cấp nước cũng phải chủ động tìm giải pháp hạ độ cao họng lấy nước, để kể cả nước có thấp vẫn lấy được, không phụ thuộc vào chế độ vận hành của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần