Nắng nóng và giải bài toán cung ứng điện mùa cao điểm - Ảnh 1

Kinhtedothi - Đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong cao điểm mùa nắng nóng luôn là thách thức lớn đối với Việt Nam. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả được coi là giải pháp quan trọng đòi hỏi sự nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước cũng như ý thức, trách nhiệm của người dân, DN.

Đó là nội dung chính được đề cập tại tọa đàm trực tuyến ''Tiết kiệm năng lượng - giải pháp cung ứng điện cao điểm mùa nắng nóng 2022'' do báo Kinh tế & Đô thị tổ chức ngày 18/8/2022.

Nguy cơ thiếu năng lượng

Trước những thách thức của ngành năng lượng phải đối mặt, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh Hà Đăng Sơn cho rằng, du lịch và dịch vụ đang phục hồi, chuỗi sản xuất công nghiệp cũng sẽ phục hồi mạnh mẽ, do đó cần đưa ra kịch bản tăng trưởng điện năng 8 - 12% vào cuối năm 2022, khi tất cả dịch vụ, sản xuất hoạt động hoàn toàn bình thường. Trong khi đó, chuỗi dự án năng lượng tái tạo đa phần tập trung ở miền Trung, trong khi nền tảng truyền tải chưa đáp ứng được nhu cầu đủ từ miền Trung ra miền Bắc.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh Hà Đăng Sơn
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh Hà Đăng Sơn

Hiện lo ngại, việc sản xuất than, dầu khí nội địa khó khăn, chi phí đắt đỏ, thị trường quốc tế giá cao, DN có nhiều lựa chọn nên thường chọn xuất khẩu. Do đó, nếu không có vai trò nhà nước ở đây sẽ không thể kiểm soát được chi phí sản xuất điện. “Việc thiếu nguồn năng lượng sơ cấp hy vọng sẽ được giải quyết trong ngắn hạn, khi EVN và Bộ Công Thương phối hợp giải quyết, nhưng về dài hạn, nguy cơ thiếu là khá lớn” - ông Hà Đăng Sơn dự báo.

Nhận định về nguy cơ thiếu điện, Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, trong tháng 7 năm 2022, nắng nóng gay gắt kéo dài ở miền Bắc đã làm tiêu thụ điện của miền Bắc tăng rất mạnh, khiến lưới điện vận hành đầy tải, quá tải ở nhiều thời điểm và nguồn phát điện cũng gặp khó khăn do một số tổ máy nhiệt điện bị sự cố.

Tuy nhiên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn nỗ lực đảm bảo cung cấp điện an toàn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt là đảm bảo điện phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Tiêu thụ điện tại miền Bắc lập đỉnh kỷ lục mới vào trưa 18/7/2022, với công suất tiêu thụ lên tới 22.800MW - cao hơn khoảng 1900MW so với mức đỉnh của miền Bắc năm 2021.

Đáng chú ý, lượng điện ở TP Hồ Chí Minh tăng trưởng chậm lại. Trong khi đó giá than khoảng 270 USD/tấn, gấp 3 lần so với năm ngoái; giá xăng dầu, khí cũng tăng lên, chi phí đầu vào đang là thách thức với vận hành hệ thống điện của EVN.

Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm
Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm

Mặc dù công suất sản xuất năng lượng tái tạo của Việt Nam đứng đầu ASEAN, nhưng khi thời tiết biến động đã bị ảnh hưởng. Có nhiều ngày mặt trời hay gió không phát huy được. Chẳng hạn như ngày 19/3, thời điểm này toàn quốc không có gió, chỉ có 15 MW được phát trên hệ thống điện. Đây là những tính chất đặc biệt và bất định của năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió. Tuy nhiên, cần khẳng định thời gian qua, năng lượng tái tạo vẫn đóng vai trò chủ chốt trong đảm bảo nguồn cung điện trong nước.

Theo lãnh đạo EVN, đáng lo ngại, việc giá nhiên liệu đang tăng, giá xăng dầu cũng biến động, giá khí cũng tăng, nên chi phí đầu vào đang là vấn đề rất thách thức của EVN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, phương thức vận hành hệ thống điện đã và đang chuyển đổi mạnh nên nhu cầu sử dụng điện cho sinh hoạt càng ngày càng cao khiến công suất tiêu thụ điện lập kỷ lục mới. Hay nói cách khác, thành phần sinh hoạt đang quyết định giờ cao điểm tiêu thụ điện năng.

“Từ khi điện mặt trời và điện gió tham gia vào hệ thống điện, giờ cao điểm đã bị lệch so với thời điểm trước. Nếu như trước đây, khung giờ cao điểm trưa từ 11 giờ - 13 giờ, thì hiện khung giờ cao điểm đã lệch sang từ 14 giờ - 16 giờ. Đồng thời, xuất hiện thêm các khung giờ cao điểm từ 17 giờ - 19 giờ và 20 giờ 30 phút - 22 giờ” - ông Võ Quang Lâm cho hay.

Huy động nguồn điện tối ưu, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả

Đề cập về giải pháp đảm bảo cung ứng điện cho mùa nắng nóng, Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, EVN đang tập trung vào 2 nhóm giải pháp. Thứ nhất về vận hành, trong quý IV/2021, EVN đã chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), các nhà máy điện thuộc tập đoàn, đồng thời đề nghị đối tác, nhà máy điện BOT, nhà máy điện lọc dầu rà soát, đảm bảo việc sửa chữa xong trong quý I/2022 để đảm bảo lượng điện cho tiêu dùng, sản xuất. Cùng với đó, rà soát lưới điện của các địa phương, sửa chữa, đầu tư xây dựng trong hết quý I/2022.

 

"Mỗi người dân phải là người tiêu dùng điện thông minh và cần nêu cao trách nhiệm phải tiết kiệm, như vậy vừa giảm áp lực cho bên cung, vừa giảm được chi phí cho tiêu thu điện. Về phía Bộ Công Thương cần nghiên cứu mở rộng các nhà máy thủy điện hiện hữu để hỗ trợ thời điểm năng lượng tái tạo không thể đáp ứng nguồn điện bổ sung. " - Chuyên gia cao cấp năng lượng Nguyễn Anh Tuấn

Cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Rà soát, sửa đổi, bổ sung và hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đặc biệt là đưa chỉ tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào kế hoạch phát triển kinh tế hàng năm và trong từng giai đoạn của các địa phương.

Thứ hai, đối với nhóm nguồn điện bổ sung, trong bối cảnh xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng phụ tải điện: Kịch bản 1 - ở mức 8,3%, tương ứng sản lượng điện toàn quốc đạt 275,5 tỷ kWh; Kịch bản 2 - ở mức 12,4%, tương ứng sản lượng điện toàn quốc đạt hơn 286 tỷ kWh.

EVN cũng xây dựng các kịch bản để tìm kiếm thêm nguồn điện mới, đảm bảo cung ứng điện, nhất là ở miền Bắc như: Tăng cường hệ thống truyền tải Bắc - Nam, đảm bảo hành lang tuyến không để xảy ra sự cố về điện trong mùa nắng nóng. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ mua điện từ nước bạn Lào, các dự án kết nối lưới điện với các nước láng giềng.

Thực tế cho thấy trong tháng 7 năm 2022, nắng nóng gay gắt kéo dài ở miền Bắc đã làm tiêu thụ điện của miền Bắc tăng rất mạnh, khiến lưới điện vận hành đầy tải, quá tải ở nhiều thời điểm và nguồn phát điện cũng gặp khó khăn do một số tổ máy nhiệt điện bị sự cố.

Tuy nhiên, EVN vẫn nỗ lực đảm bảo cung cấp điện an toàn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt là đảm bảo điện phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Tiêu thụ điện tại miền Bắc lập đỉnh kỷ lục mới vào trưa 18/7/2022, với công suất tiêu thụ lên tới 22.800MW - cao hơn khoảng 1900MW so với mức đỉnh của miền Bắc năm 2021.

Sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 7/2022 đạt 24,55 tỷ kWh. Lũy kế 7 tháng đạt 158,02 tỷ kWh, tăng 4,2% so với cùng kỳ, trong đó tỷ lệ huy động một số loại hình nguồn điện trên tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Trong 7 tháng năm 2022, điện sản xuất của EVN và các tổng công ty phát điện (kể cả các công ty cổ phần) đạt 72,94 tỷ kWh, chiếm 46,16% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống...

Theo nhận định xu thế thời tiết, dự kiến sản lượng tiêu thụ điện bình quân toàn hệ thống ở mức 799,4 triệu kWh/ngày (tăng 14,8% so với cùng kỳ), công suất phụ tải lớn nhất ước khoảng 44.545MW.

Do đó, EVN tiếp tục đảm bảo sản xuất, cung ứng điện an toàn, liên tục phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sinh hoạt người dân. Vận hành tối ưu hệ thống điện trên nguyên tắc đảm bảo vận hành an toàn, đồng thời từng bước giảm bớt khó khăn về tài chính của EVN.

Huy động tối đa các nhà máy thủy điện đang phải xả nước (hoặc có nguy cơ xả nước) theo yêu cầu, đồng thời cập nhật dự báo thủy văn để có kế hoạch điều tiết phù hợp; nhiệt điện than, tuabin khí huy động theo nhu cầu hệ thống và bài toán tối ưu thủy - nhiệt điện; dự phòng nhiệt điện dầu.

Trong tháng 8/2022, EVN tiếp tục chỉ đạo các công ty, nhà máy thủy điện vận hành hồ đập theo đúng quy định. Các tổng công ty/công ty điện lực tiếp tục thực hiện tốt công tác đảm bảo điện mùa khô, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, tăng cường ứng trực 24/24h để kịp thời ứng phó thiên tai bão lũ, cũng như các tình huống quá tải cục bộ, xử lý kịp thời sự cố, tiếp tục nỗ lực để đảm bảo cung cấp điện cho khách hàng.

EVN tiếp tục khuyến cáo người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đặc biệt vào các giờ cao điểm trưa và tối (buổi trưa từ 11h30 - 14h30, buổi tối từ 20h00 - 23h00); đồng thời chú ý sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ (đặt ở mức 26-27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt) và không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn…

PGS.TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS)
PGS.TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS)

Nhìn nhận vấn đề, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) cho rằng, xu hướng chuyển dịch năng lượng trên thế giới các động lực dẫn tới chuyển dịch năng lượng: Những động lực về môi trường qua cách trường hợp: Trung Quốc: Giảm điện than và nhiên liệu hoá thạch để hạn chế ô nhiễm môi trường. Giảm phảp thải CO2 nhờ giảm điện than và tăng điện khí. Những động lực về kinh tế - xã hội qua Nhật Bản và EU phát triển năng lượng tái tạo nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và tránh phụ thuộc vào tính bất ổn định của các loại nhiên liệu hoá thạch.

“Do đó, Việt Nam cần chuyển dịch dần sang năng lượng tái tạo nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và lựa chọn một giải pháp xanh hơn cho ngành năng lượng” – PGS.TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) nói.

 

"Bài toán đặt ra hiện nay là đang thiếu nền tảng pháp lý đối với lĩnh vực sản xuất cung ứng năng lượng. Vì vậy, nếu Chính phủ có chính sách rõ ràng, DN sẽ mạnh dạn huy động vốn đầu tư sản xuất điện theo hướng vừa có lợi nhuận cho DN, vừa góp phần giảm phát thải, đóng góp vào tăng trưởng nguồn cung năng lượng quốc gia theo hướng tăng trưởng xanh." - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh Hà Đăng Sơn

 

10:00 18/08/2022