Năng suất sinh sản của lợn nái nội chỉ bằng 1/2 giống ngoại nhập

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa có dấu hiệu được khống chế, vấn đề chất lượng và quản lý giống nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho công tác phục hồi đàn lợn trong nước đang được Bộ NN&PTNT đặc biệt quan tâm.

 Năng suất sinh sản giữa lợn nái nội và ngoại nhập vẫn còn khoảng cách lớn
Thống kê cho thấy, Việt Nam đã nhập các nguồn gen lợn cao sản chất lượng thuộc các dòng, giống Landrace, Yorkshire, Duroc và Pietrain từ các nước Pháp, Mỹ, Canada, Thái Lan, Đài Loan, Đan Mạch để làm nguyên liệu lai tạo ra đàn lợn nái sản xuất. Đàn lợn nái sản xuất hiện nay đối với lợn ngoại chủ yếu là các dòng lai hoặc dòng tổng hợp được kết hợp giữa các nguồn khác nhau trong cùng giống hay lai khác giống (chiếm 80%). 
Việt Nam hiện nay cũng có nguồn gen các giống lợn nội cũng rất phong phú gồm trên 20 giống, đặc biệt là các giống lợn Móng Cái, lợn Hương ... sử dụng làm nái nền lai với đực ngoại phục vụ xuất khẩu lợn sữa và lợn choai. Nái lai giữa lợn ngoại với lợn nội và lợn nái nội thuần chiếm tỷ lệ 20%. Dù vậy, đàn giống lợn nái ngoại có năng suất cao gấp đôi các giống lợn nái nội. 
Cụ thể, trong khi đàn lợn nái giống ngoại cho năng suất sinh sản trung bình nhóm cao đạt 24 - 26 con cai sữa/nái/năm và bình quân sản xuất được 21 con lợn thịt xuất chuồng/nái/năm, thì đàn lợn nái nội bình quân chỉ sản suất được 10 con lợn thịt xuất chuồng/nái/năm.
Cũng theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2018, tổng số lợn giống ông bà và bố mẹ nhập khẩu cả nước là 926 con. Từ đầu năm 2019, Việt Nam nhập khẩu trên 350 con lợn giống, giảm 62,2% so cùng kỳ năm 2018. Các giống lợn được nhập khẩu chủ yếu là các giống thuần Yorkshire, Landrace, Duroc và Pietrain, trong đó, cơ cấu về số lượng cụ thể là giống Yorkshire chiếm 39,1%, Landrace chiếm 34,1 %, Duroc chiếm 22% và Pietrain chiếm 4,8%.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần