Nâng sức cạnh tranh nông sản Việt vào thị trường Trung Quốc

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 24/12, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chủ trì tổ chức Hội thảo Thông tin thị trường, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và bảo vệ thương hiệu hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.

Xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang Trung Quốc tại cửa khẩu Lào Cai.
Thông tin về thị trường Trung Quốc, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Doãn Thị Thu Thủy cho biết, trong những năm gần đây, quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng ổn định với kim ngạch thương mại hai chiều trong 5 năm gần đây tăng trung bình trên 20%/năm.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, đến hết tháng 11/2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 97,25 tỷ USD, tăng 16,07% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 37,66 tỷ USD, tăng 21,7%; nhập khẩu 59,59 tỷ USD, tăng 12,7%; nhâp siêu 21,9 tỷ USD, tăng 0,1%. Những năm gần đây, nhờ tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ nên khoảng cách nhập siêu của nước ta với đối tác thương mại lớn nhất này đã và đang được kéo giảm đáng kể, từ con số thâm hụt thương mại hơn 28 tỷ USD năm 2016 xuống còn 22,765 tỷ USD trong năm 2017.
Các mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản luôn là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Theo số liệu thống kê từ Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam tháng 9/2018 ước đạt 3,38 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 9 tháng đầu năm đạt 29,55 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc chiếm tới 22,9% (tương đương khoảng 6,7 tỷ USD).
Lưu ý các vấn đề xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, tiến sĩ Đào Việt Anh, tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cho rằng, với những điểm tương đồng về văn hóa, phong tục tập quán cũng như vị trí địa lý thuận lợi, Trung Quốc vẫn luôn là một trong những thị trường thương mại lớn nhất và giàu tiềm năng của Việt Nam. Đáng chú ý, Trung Quốc có 32 tỉnh, thành và mỗi địa phương này với quy mô dân số rất lớn có thể coi là 1 thị trường riêng lẻ như: Sơn Đông (90,5 triệu người), Hà Nam (90,4 triệu người), Quảng Đông (104,3 triệu người)…
Bên cạnh đó, khi giao dịch, kinh doanh tại thị trường Trung Quốc, ông Đào Việt Anh khuyến nghị, doanh nghiệp cần đăng ký thương hiệu sản phẩm với cơ quan chức năng của Trung Quốc; thông qua hệ thống các Thương vụ, Chi nhánh thương vụ và Văn phòng Xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương đặt tại Trung Quốc, cũng như các cơ quan Thương vụ của Trung Quốc đặt tại Việt Nam để tìm kiếm các đối tác phù hợp và có uy tín tại Trung Quốc; Cần xác minh thực lực và uy tín của doanh nghiệp Trung Quốc nhất là các đối tác được tìm kiếm qua hình thức internet.
Đồng thời cần cập nhật các thông tin thị trường, chính sách xuất nhập khẩu, các quy định về chất lượng sản phẩm và thị hiếu tiêu dùng của các địa phương của Trung Quốc; tăng cường tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường do các cơ quan, tổ chức và Hiệp hội tổ chức…
Trước những có hội và thách thức, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Doãn Thị Thu Thủy cho biết, hội thảo nhằm mục đích cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam vượt qua các rào cản kỹ thuật, thương mại đồng thời giải đáp những vướng mắc trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu hàng hóa xuất tại thị trường Trung Quốc qua đó tăng cường khả năng xuất khẩu qua con đường chính ngạch những mặt hàng có thế mạnh vào thị trường Trung Quốc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần