Nâng tầm giá trị nông sản Hà Nội

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội hiện có 13 sản phẩm nông nghiệp được bảo hộ nhãn hiệu. Đây là kết quả đầu tiên trong hành trình xây dựng thương hiệu, từ đó nâng cao giá trị cho nông sản Thủ đô.

 Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh thăm gian hàng nông sản của Hà Nội tại Hội chợ hàng Việt Nam.
Tăng giá trị sản phẩm
10 năm nay, tận dụng bãi đất bồi màu mỡ ven sông Đáy, xã Kim An (huyện Thanh Oai) đã chuyển đổi từ trồng hoa màu thu nhập thấp sang trồng cây ăn quả giá trị gia tăng cao. Nhờ sản xuất theo hướng tuân thủ quy trình VietGAP, năm 2014, sản phẩm “Cam đường Kim An” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể đạt tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2017, người dân xã Kim An thu hoạch, tiêu thụ 17.000 tấn cam, thu lãi hàng chục tỷ đồng.

Kim An không phải là xã duy nhất nâng cao giá trị hàng hóa thông qua xây dựng thương hiệu, thực tế cho thấy huyện Đan Phượng, nhờ tích cực chuyển đổi, địa phương đã mở rộng được 345ha trồng bưởi tôm vàng và sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Theo Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng, từ khi có thương hiệu, việc tiêu thụ sản phẩm bưởi tôm vàng khá thuận lợi, nông dân bán được giá cao hơn, thương lái đến tận vườn đặt hàng trước khi thu hoạch từ 2 - 3 tháng.

Thông tin từ Sở NN&PTNT Hà Nội, Hà Nội hiện có nhiều đặc sản mang hương vị đặc trưng và được người tiêu dùng ưa chuộng như cam Canh, bưởi Diễn, tương Cự Đà, giò chả Tân Ước... Xác định việc xây dựng thương hiệu đã mang lại giá trị lớn sản phẩm nông sản, Hà Nội đã tập trung phát huy thế mạnh từng vùng, chọn ra những sản phẩm đặc sản xây dựng, phát triển nhãn hiệu nông sản. Nhờ đó giá trị nông sản của Hà Nội tăng từ 20 - 25% so với trước khi có thương hiệu.
 Vùng cây ăn quả tại xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Ánh Ngọc
Gây dựng thương hiệu nông sản

Mặc dù định vị thương hiệu mang lại giá trị cao cho sản phẩm nông sản, nhưng đến nay Hà Nội mới chỉ có 13/100 sản phẩm truyền thống được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu, khiến nhiều sản phẩm chưa có được vị trí tương xứng. Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thoa chia sẻ, theo quy định sản phẩm nông sản muốn xây dựng thương hiệu phải đáp ứng các tiêu chí bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về sản lượng ổn định, chất lượng đồng đều, bảo đảm ATTP…, tuy nhiên hiện người nông dân Hà Nội lại sản xuất trên diện tích manh mún, nhỏ lẻ, thiếu kiến thức về sản xuất an toàn.
“Để khắc phục nhược điểm này các địa phương cần tăng cường quản lý giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp, công tác tuyên truyền xây dựng thương hiệu đóng vai trò quan trọng để nâng cao vị thế hàng nông sản” - bà Nguyễn Thị Thoa nêu rõ.

Thực tế cho thấy, thời gian qua nhằm xây dựng thương hiệu nông sản, một số huyện đang nỗ lực kết nối các hộ sản xuất xây dựng những mô hình sản xuất theo hướng tập trung. Đơn cử, xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) đã chuyển đổi 25ha trồng rau truyền thống sang rau hữu cơ với hơn 50 loại rau củ theo mùa, cung cấp cho thị trường Hà Nội bình quân từ 35 - 40 tấn/tháng, tổng sản lượng trên 400 tấn rau/năm đem lại thu nhập khoảng 6 tỷ đồng. Trong thời gian tới, xã khuyến khích người dân đa dạng hơn nữa các chủng loại rau hữu cơ đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Lê Trọng Khuê cho biết, nhằm hỗ trợ hội viên nông dân xây dựng thương hiệu nông sản, Hội yêu cầu các cấp Hội hàng năm phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng từ 1 - 2 thương hiệu sản phẩm nông nghiệp truyền thống và mô hình chuyên canh sản xuất hàng hóa chất lượng cao phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Đại cũng cho biết, Sở đang xây dựng, lồng ghép nhiều mô hình sản xuất an toàn, hữu cơ làm tiền đề cho việc xây dựng thương hiệu nông sản. Đối với các địa phương nên lựa chọn nông sản có thế mạnh để xây dựng thương hiệu, đồng thời xây dựng đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất.

Như vậy, xây dựng nhãn hiệu nông sản không còn là câu chuyện riêng của từng địa phương mà đã trở thành chiến lược phát triển nâng cao chuỗi giá trị, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp của TP Hà Nội. Để đẩy mạnh xây dựng nhãn hiệu nông sản, TP đang tập trung thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần