Nâng tầm hàng Việt

Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, TP Hà Nội đã triển khai hợp tác với các tỉnh, thành trong cả nước thông qua các chương trình, hoạt động xúc tiến công nghiệp, thương mại, nông nghiệp với nhiều hình thức đổi mới.

Các chương trình kết nối được tổ chức có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất, nhà khoa học, nhà phân phối và người tiêu dùng, qua đó đã thu hút nhiều DN phân phối chung tay hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm không vì lợi nhuận.
Có thể nói các hoạt động liên kết, giao thương đã góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Hà Nội với các tỉnh qua đó hỗ trợ các địa phương về kinh nghiệm tổ chức kết nối, tiêu thụ nông sản. Liên kết cũng giúp các địa phương chủ động trong quảng bá, xúc tiến, tiêu thụ nông sản một cách bài bản, đúng mùa vụ, đạt hiệu quả.
Sản phẩm của các địa phương sau khi được hỗ trợ, quảng bá tại các tuần hàng và kênh phân phối của Hà Nội đã được nhiều người tiêu dùng trong cả nước biết đến, đón nhận với sản lượng bán ra tăng từ 20% - 30%.
 Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm hàng Việt tại hội nghị Hà Nội liên kết với các tỉnh, thành. Ảnh: Lê Nam
Nhiều sản phẩm có thế mạnh của các tỉnh được các DN phân phối lớn của Hà Nội tư vấn hỗ trợ về thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói thân thiện, chất lượng sản phẩm…. để đưa vào kênh phân phối hiện đại (nhãn, mận, xoài tỉnh Sơn La, gạo đặc sản Lào Cai, Yên Bái, cam sành Hà Giang, Tuyên Quang…); không những tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội mà còn nhiều cơ hội để đưa vào hệ thống phân phối của DN nước ngoài: Nhật (AEON), Hàn Quốc (Lotte), Thái Lan (BigC)…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, qua các chương trình kết nối cung cầu - giới thiệu đặc sản vùng miền cũng có một thực tế đó là nhiều mặt hàng nông sản địa phương còn manh mún, nhỏ lẻ, việc quản lý chất lượng sản phẩm, quá trình trồng trọt và lưu thông, bảo quản, sơ chế sản phẩm còn hạn chế. Vẫn còn quá ít những DN lớn làm đầu mối mua hàng hóa cho bà con nông dân nên khi các DN Hà Nội cần lượng hàng lớn với chất lượng đảm bảo, đồng nhất rất khó.
Chưa kể các hộ sản xuất hàng hóa, nông sản vẫn theo hướng tập quán truyền thống, không đáp ứng được các yêu cầu về đăng ký, kiểm định chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm đơn điệu... Việc hỗ trợ nắm bắt nhu cầu về cung - cầu trên thị trường của các địa phương chưa kịp thời dẫn đến một số sản phẩm hàng hóa cung vượt cầu, ảnh hưởng đến giá cả, khó khăn trong việc tiêu thụ...
Để hoạt động kết nối cung cầu ngày càng phát huy hiệu quả, bên cạnh sự nỗ lực của các sở, ngành, TP Hà Nội vẫn cần phải có sự chung tay từ các địa phương và người sản xuất. Trong đó, các địa phương phải làm được việc sản xuất nông sản theo quy hoạch, cung ứng hàng hóa theo đúng nhu cầu của thị trường. Cần tổ chức ngay sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản gắn kết chặt chẽ giữa 6 nhà: Nhà nông – nhà nước – nhà khoa học - DN - ngân hàng – nhà phân phối. Đồng thời đẩy mạnh xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất.
Đặc biệt xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất có chứng nhận VietGAP, VietGHAP, GlobalGAP, HACCP, GMP, sản xuất theo hướng hữu cơ… Chuẩn hóa quy trình sản xuất cho các chuỗi để đảm bảo tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chí về hàng rào kỹ thuật, sản phẩm truy xuất được nguồn gốc...
Nếu các ngành cũng chung tay, chắc chắn nông sản Việt sẽ có chỗ đứng không chỉ trên thị trường trong nước mà tiến tới xuất khẩu thông qua các Tuần hàng Việt tổ chức tại hệ thống phân phối nước ngoài tại Pháp, Nhật, Ý, Thái Lan, chợ đầu mối Rungis- Pháp...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần