Nâng tầm thương hiệu du lịch Sóc Sơn

Bài, ảnh: Ngọc Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, huyện Sóc Sơn là một trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội. Đồng thời xây dựng Sóc Sơn trở thành “không gian du lịch” của Thủ đô.

Tiềm năng lớn
Nhắc tới Sóc Sơn, du khách thập phương nghĩ ngay tới Khu di tích lịch sử đền Sóc - nơi có Hội Gióng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo thống kê của Phòng VHTT huyện Sóc Sơn, mỗi năm Khu di tích lịch sử tâm linh này đón khoảng 130.000 lượt du khách. Ngoài ra, Sóc Sơn còn có tới 50 di tích khác được xếp hạng cấp Quốc gia và TP. Trong đó, rất nhiều công trình mang giá trị lớn về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật…

Rước giò hoa tre tại Lễ hội đền Sóc, huyện Sóc Sơn.   

Cùng với phát huy giá trị các di tích lịch sử nêu trên, cơ sở hạ tầng cho dịch vụ du lịch cũng được huyện Sóc Sơn quan tâm đầu tư, mở rộng, nâng cấp. Nhiều hạng mục công trình được đưa vào sử dụng như sân golf Minh Trí, sân golf Legend Hill, các trung tâm chăm sóc người cao tuổi… đã và đang góp phần đa dạng hóa các loại hình dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện. Bên cạnh các điểm đến tham quan, dịch vụ nghỉ dưỡng và ăn uống cũng được phát triển mạnh. 5 năm trở lại đây, nguồn thu từ các hoạt động này đạt từ 40 - 50 tỷ đồng/năm, giúp giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động.
Chú trọng phát triển bền vững
Dù đã có được những bước phát triển đáng khích lệ, tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận Trưởng phòng VHTT huyện Sóc Sơn Đoàn Văn Sinh cho rằng, hoạt động du lịch mới tập trung vào du lịch tâm linh, còn thiếu những sản phẩm đặc sắc, hấp dẫn du khách, chưa hình thành được chuỗi dịch vụ du lịch khép kín, chưa phát huy hết tiềm năng du lịch sinh thái. Cùng với đó, chưa có nhiều công ty lữ hành quan tâm khai thác du lịch tại địa phương. Nhằm cụ thể hóa định hướng phát triển ngành du lịch, hướng tới đưa huyện nhà trở thành một “không gian du lịch” của Thủ đô, Huyện ủy Sóc Sơn đã xây dựng và từng bước triển khai Đề án “Đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện Sóc Sơn giai đoạn 2016 - 2020”.
Trong đó, tập trung vào việc xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch. Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Văn Minh, việc hạ tầng giao thông được kết nối ngày một đồng bộ là điều kiện thuận lợi để huyện nâng tầm thương hiệu du lịch. Trên cơ sở đó, bên cạnh đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, thời gian tới, huyện sẽ phối hợp chặt chẽ với các Sở: VH&TT, Du lịch, các cơ quan thông tấn của T.Ư, TP, nhằm quảng bá rộng rãi các sản phẩm du lịch của địa phương. Ông Minh cũng nhấn mạnh, cùng với phát triển mạnh mẽ hơn nữa ngành du lịch, huyện đặc biệt chú trọng tới công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử và bảo vệ tài nguyên, môi trường. Điều này sẽ đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững ngành du lịch địa phương trong giai đoạn tới, cũng như những năm tiếp theo.

Huyện Sóc Sơn đặt mục tiêu đến năm 2020, tổng lượng khách du lịch đến huyện đạt khoảng 550.000 lượt người. Tổng doanh thu từ hoạt động dịch vụ đạt 150 - 200 tỷ đồng.