Nâng tầm vị thế Việt Nam - Tâm điểm chú ý của thế giới

Cẩm Anh - Ngọc Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam ngày càng chứng minh sức hội nhập sâu rộng. Và năm 2017 được đánh giá là một năm thành công nhất của đối ngoại Việt Nam.

“Khi Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của thế giới”

Trong năm 2017, sự kiện đối ngoại lớn nhất của Việt Nam là lần thứ 2 đảm nhận vai trò chủ nhà của Hội nghị Cấp cao các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Đây là minh chứng sinh động cho sự tín nhiệm của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam, cũng như nỗ lực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam.
 
Toàn bộ 243 hoạt động mà Việt Nam tổ chức trong Năm APEC 2017, đã có hơn 21.000 đại biểu tham dự, riêng Tuần lễ Cấp cao khoảng 11.000 người - con số đông đảo nhất những năm gần đây. Với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, Năm APEC 2017, mà đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 25, đã thành công tốt đẹp, đưa Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới, đồng thời làm nổi bật vai trò của Việt Nam đối với một sự kiện mang tầm vóc toàn cầu.

Cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Đông Nguyễn Quang Khai nhận định: “Một nửa thế giới đã đến gõ cửa Việt Nam. Các DN Việt Nam hãy mở cửa để đón làn sóng đầu tư mới với những thuận lợi và thách thức mới”.

Tiếp tục bồi đắp quan hệ song phương

Trong năm 2017, các lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã thực hiện 18 chuyến thăm đến 19 nước, tiến hành hàng trăm cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo, nguyên thủ các nước trên thế giới, đồng thời, đón 36 lượt nguyên thủ và Thủ tướng các nước đến thăm Việt Nam. Nổi bật trong một loạt chuyến thăm chính thức lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao Việt Nam và các nước, có chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ 12 - 15/1/2017 là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai nước, kể từ sau Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam và sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức xác lập vị trí hạt nhân lãnh đạo của ông Tập Cận Bình và chuẩn bị cho Đại hội XIX. Trong khi chuyến thăm chính thức Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (29 - 31/5/2017) là tiếp xúc đầu tiên giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam - Mỹ kể từ khi hai nước có ban lãnh đạo mới.

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Donald Trump khẳng định, qua 3 thập kỷ Mỹ và Việt Nam đã gắn kết dần với nhau để tìm ra được những mục tiêu chung, những lợi ích chung và ông tới Việt Nam để tái khẳng định những gắn kết đó. Đặc biệt, trong Tuần lễ cấp cao APEC, Việt Nam đã đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm cấp Nhà nước trong cùng một ngày. Cùng với đó là các chuyến thăm của Tổng thống Chile, Thủ tướng Canada và trên 50 cuộc tiếp xúc với lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC.

Ngoại giao kinh tế kết “trái ngọt”

Trong năm 2017, bức tranh kinh tế toàn cầu có chuyển biến tích cực. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và nhiều tổ chức tài chính khác trên thế giới đồng loạt nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên 3,6% trong năm 2017 và 3,7% năm 2018. Tuy nhiên, nền kinh thế giới vẫn đang đối mặt với nhiều rủi ro, bất trắc do bất ổn tài chính - tiền tệ, địa chính trị và an ninh quốc tế.

Liên kết kinh tế - thương mại khu vực và toàn cầu tiếp tục được duy trì, song hợp tác quốc tế và tự do thương mại phải đối mặt với nhiều thách thức, khi đa phần các nền kinh tế lớn trên thế giới đều sử dụng chính sách bảo hộ thương mại như một phần chiến lược phục hồi những ngành công nghiệp trọng điểm trong nước, hỗ trợ thị trường việc làm nội địa và duy trì các lợi thế kinh tế chiến lược. Trong bối cảnh đó, Việt Nam tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát huy vai trò trong các mối liên kết và hợp tác kinh tế khu vực và quốc tế, hoàn thành tốt nhiệm vụ đối ngoại phục vụ mục tiêu phát triển đất nước. Hiện Việt Nam đã ký kết và thực thi 10 Hiệp định tự do Thương mại, bao gồm cả song phương và đa phương. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt gần 425 tỷ USD, mức tăng gấp 4 lần so với thời điểm 10 năm trước khi Việt Nam gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO); riêng trong dịp Tuần lễ Cấp cao APEC đã có 121 thỏa thuận được ký kết với tổng trị giá 20 tỷ USD.

Đáng chú ý, sau sự kiện Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam cùng với các nước thành viên còn lại vẫn kiên trì đàm phán nhằm duy trì một hiệp định chất lượng cao mang tính toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, qua đó đạt thỏa thuận đổi tên TPP thành Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương toàn diện và tiến bộ (CPTPP), bảo đảm sự cân bằng về lợi ích của các quốc gia thành viên nói chung và Việt Nam nói riêng. Việt Nam đang hướng tới 2 mục tiêu thương mại trong năm 2018: Cùng các nước tích cực thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), tiến tới ký kết trong năm nay và đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao vận động Liên minh châu Âu, đưa Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sớm ký chính thức.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần