Nâng “tuổi thọ” văn bản luật

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiến độ chưa đảm bảo, “đưa vào, rút ra” liên tục, chất lượng chuẩn bị các dự án luật, văn bản hướng dẫn thi hành luật vẫn còn bất cập, dẫn đến chồng chéo, không khả thi. Vấn đề đó một lần nữa được được đề cập tới trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp vừa qua.

Như nhiều ý kiến nhận định, đây là câu chuyện đã được nhắc đến rất nhiều mỗi lần Quốc hội bàn về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Nhưng như các đại biểu chỉ ra, thực trạng tồn tại nhiều năm này chưa được khắc phục triệt để, làm ảnh hưởng không ít đến thực tế xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
 Ảnh minh họa
Như các đại biểu (ĐB) Quốc hội nhận định, so với những năm trước, hiện quy trình làm luật đã có sự thay đổi căn bản, tách bạch giữa quy trình đề xuất chính sách và quy trình soạn thảo văn bản, tức là "thiết kế rồi mới thi công", chứ không "vừa thiết kế vừa thi công" như trước đây. Các luật, văn bản cũng theo sát và điều chỉnh kịp thời các yêu cầu cuộc sống.
Tuy nhiên, vẫn có tình trạng những dự án luật phải thay đổi, phải dời hoặc đưa ra khỏi chương trình. Việc này lặp đi lặp lại khá nhiều và là tồn tại, hạn chế trong nhiều năm qua. Rồi tình trạng “vội vã”, “ẩu” trong chuẩn bị các dự luật; chất lượng các văn bản hướng dẫn thi hành luật trình kèm với dự luật chỉ mang tính đối phó… cũng khiến các ĐB băn khoăn. Cùng với đó, tình trạng văn bản hướng dẫn thi hành luật có sai sót, phải “tuýt còi” ngày càng nhiều. Như ĐB dẫn chứng, có hơn 200 văn bản sai phạm về thẩm quyền, hơn 700 văn bản thiếu căn cứ, sai về thể thức ban hành đã được phát hiện…

Nhiều người đặt câu hỏi, có phải do sự chưa chuẩn chỉnh, chưa thực sự coi trọng việc xây dựng thể chế, nên tình trạng dự luật, văn bản không đáp ứng được yêu cầu vẫn liên tục xảy ra. Thực tế cho thấy "tuổi thọ" một số luật không cao, thiếu tính ổn định. Trong thời gian ngắn phải bổ sung, sửa đổi luật mới ban hành; hiệu lực của luật chưa đủ mạnh để điều chỉnh mọi hoạt động của xã hội. Mặt khác, gây khó khăn, bất cập cho chính các cơ quan thực thi pháp luật.

Chính Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng thừa nhận, dù đã có tiến triển tích cực, năm sau tốt hơn năm trước, nhưng việc xin rút, xin lùi, xin điều chỉnh, bổ sung vào chương trình các dự án Luật vẫn đang tồn tại. Trong các nguyên nhân được đưa ra, có cả nguyên nhân chưa dự trù được hết các tác động, áp lực về thời gian, chưa lường hết được diễn biến thực tế… Và thực tế, vẫn còn những người lãnh đạo cơ quan ban ngành chưa quan tâm đúng mức việc xây dựng thể chế, pháp luật.

Để khắc phục tình trạng này, nhiều giải pháp chắc chắn sẽ tiếp tục được thực thi sau những lời hứa của Bộ trưởng. Tuy nhiên, đúng như nhiều ĐB nói, văn bản pháp luật phải theo sát được yêu cầu cuộc sống, xác định tầm nhìn xa, chủ động dự báo, đón trước những yêu cầu mới sẽ nảy sinh theo tình hình điều kiện phát triển, hội nhập.
Vấn đề đặt ra là hết sức tránh việc xây dựng luật, ban hành văn bản kiểu gấp gáp, thậm chí có lúc phải chạy theo sự vụ, ban hành rồi lại thu hồi. Để làm được điều đó quan trọng là công tác tham mưu, chuẩn bị đề xuất phải theo trình tự khoa học, kỹ lưỡng, đáp ứng yêu cầu cuộc sống, tránh tình trạng văn bản sau ra đời phải sửa đổi văn bản trước vì có sự chồng chéo, xung đột trong quy định. Và câu chuyện chất lượng của văn bản pháp luật không còn là tồn tại nhiều năm nữa.