Nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia: Điểm cộng cho Việt Nam hút vốn FDI

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần đây, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đều nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn cho Việt Nam từ mức “BB-” lên mức “BB” với triển vọng “ổn định”, đồng thời đưa ra những nhận định khả quan về nền kinh tế Việt Nam.

Việt Nam được nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn từ mức “BB-” lên mức “BB” sau 9 năm. Ảnh: Việt Linh
Hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế
Ngày 9/5, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã nâng triển vọng tín nhiệm quốc gia Việt Nam từ mức ổn định lên tích cực, khẳng định duy trì mức xếp hạng BB. Trước Fitch Ratings, đầu tháng 4 vừa qua, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s (S&P) nâng hệ số tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên một bậc, từ mức BB- lên mức BB với triển vọng "ổn định". Tháng 8/2018, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s cũng đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam từ mức “B1” lên “Ba3” với triển vọng thay đổi từ “ổn định” lên “tích cực”.
Uy tín của quốc gia được tăng thêm chắc chắn tạo động lực cho thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nhất là trong thời gian này, các tổ chức quốc tế đang quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực tài chính - ngân hàng, bất động sản, bán lẻ…

TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế

Đây là những thành tựu đáng ghi nhận của nền kinh tế Việt Nam. Quyết định thăng hạng tín nhiệm của các tổ chức dựa vào: Sự ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế vững chắc trong một thời gian dài và là quốc gia có tiềm năng phát triển.

Những cải cách quyết liệt của Chính phủ đã góp phần giữ vững vị thế của Việt Nam như một điểm đến đầu tư hấp dẫn và thân thiện. Ngoài ra, việc ký các hiệp định thương mại tự do nhiều khả năng sẽ thúc đẩy tính cạnh tranh thương mại của Việt Nam và đẩy mạnh cải cách về môi trường pháp lý cũng là các yếu tố giúp Việt Nam được nâng mức xếp hạng tín nhiệm. Tính trung bình 5 năm đến đầu năm 2018, tốc độ tăng GDP đạt được nhiều thành quả ấn tượng, duy trì tốc độ tăng trưởng thực bình quân 6,2%/năm kể từ năm 2012 đến nay. Các tổ chức đánh giá, Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất so với các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như so với nhóm các nước đồng xếp hạng BB. Đặc biệt “trong bối cảnh của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Fitch Ratings cho rằng Việt Nam có thể có được những lợi ích nhất định từ cuộc xung đột này, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu”. Đây cũng là quan điểm của Tổ chức S&P, và ANZ.

Còn nhiều dư địa để cải thiện hạng mức tín nhiệm

Việc cải thiện mức tín nhiệm quốc gia được giới chuyên môn đánh giá là đã phát đi tín hiệu tích cực về nền kinh tế Việt Nam. Xếp hạng tín nhiệm quốc gia là tiêu chí tham chiếu để đánh giá mức độ rủi ro của một quốc gia; tạo điều kiện thuận lợi cho nhà phát hành tiếp cận với thị trường vốn quốc tế; mở rộng cơ sở các nhà đầu tư (NĐT) cả trực tiếp và gián tiếp do thông tin minh bạch hơn; mức xếp hạng càng cao thì chi phí huy động vốn càng thấp và ngược lại.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, với hạng mức tín nhiệm mới, được nâng lên, tới đây Chính phủ và DN khi "ra khơi" tìm vốn có điều kiện để tiếp cận lãi suất tốt hơn. Từ trong năm 2018, Việt Nam đã phải đối diện thực tế đó là: Các khoản vay nước ngoài bắt đầu giảm dần ưu đãi, chuyển sang thị trường hơn với lãi suất - chi phí cao hơn.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng việc nâng hạng tín nhiệm quốc gia không chỉ mang đến toàn những "điểm cộng". Bên cạnh những tác động tích cực nói trên, các chuyên gia chỉ ra vẫn có những rủi ro cần xử lý. Cụ thể, do chi phí vay nợ nước ngoài giảm đi nên Chính phủ và các DN nói chung có xu hướng tăng cường vay mượn nước ngoài nhiều hơn. Điều này làm cho dòng vốn nước ngoài đổ vào nền kinh tế nhiều hơn, tăng áp lực lên giá của tiền đồng, ảnh hưởng bất lợi đến xuất khẩu và cán cân thương mại của Việt Nam. Để hóa giải rủi ro này, cần thiết phải thắt chặt các hạn mức về vay mượn bằng ngoại tệ, đồng thời có những giải pháp khai thông thị trường vốn trong nước với lãi suất vay nội tệ giảm tương ứng hoặc nhanh hơn lãi suất vay ngoại tệ nói chung. Việc thắt chặt các hạn mức vay mượn ngoại tệ này cũng góp phần làm giảm áp lực lên giá tiền đồng như nói ở trên.

Giới chuyên môn cũng khuyến nghị, xếp hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam vẫn đang ở mức thấp so với các nước trên thế giới. Quy chiếu vào báo cáo của S&P, TS Nguyễn Trí Hiếu nêu thực tế, mức BB vẫn là nhóm đầu tư tiềm ẩn rủi ro. Khi nào vượt qua được nhóm này thì khả năng kêu gọi đầu tư mới thực sự an toàn bền vững, còn hiện tại các NĐT nước ngoài đầu tư vào Việt Nam vẫn mang tính đầu cơ. Do vậy, thời gian tới, Việt Nam cần phải nỗ lực rất nhiều để có thể thăng hạng tín nhiệm ở mức được khuyến khích đầu tư.

TS Cấn Văn Lực lưu ý, một số yếu tố có ảnh hưởng tích cực đến xếp hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam như đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng, kể cả NSNN để chính sách tài khóa bền vững hơn, nhất là hệ số an toàn vốn của NHTM cần sớm được tăng cường. Bên cạnh đó, việc tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc ở bên ngoài cũng rất quan trọng thông qua tăng dự trữ ngoại hối...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần