Nâng ý thức từ từng cộng đồng dân cư để phòng chống, dịch bệnh

Minh An – Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mấy hôm qua, tại những cộng đồng dân cư có người bị cách ly do có tiếp xúc với người bị nhiễm Covid-19, người dân tỏ ra hoang mang, lo lắng, đổ xô đi chợ, siêu thị để mua đồ dùng, thực phẩm tích trữ.

Tuy nhiên, sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, nâng cao nhận thức, người dân đã an tâm, có nhiều biện pháp thiết thực để phòng, chống dịch bệnh.
Giảm tránh hoang mang
Hiện nay, phường Láng Thượng (quận Đống Đa) có 8 địa chỉ đang thuộc diện cách ly do tiếp xúc với trường hợp dương tính với Covid-19. Ngày 9/3, theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại tổ dân phố 11, phường Láng Thượng – một trong những địa chỉ có trường hợp được cách ly, lực lượng chức năng túc trực 24/24 giờ để giám sát hoạt động.
 Người dân cung cấp thực phẩm cho những người phải cách ly tại phố Trúc Bạch. Ảnh: Phạm Hùng
Theo Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố 11 (phường Láng Thượng) Vũ Thị Thanh Bình: “Thời gian đầu, người dân trong tổ dân phố cũng lo lắng. Tuy nhiên, sau khi được UBND phường, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của phường tuyên truyền, người dân đã yên tâm hơn vì trường hợp cách ly thường xuyên được kiểm tra, giám sát. Đồng thời, các trường hợp bị cách ly đã chủ động không ra ngoài, thường xuyên có những trao đổi với tổ dân phố, UBND phường cũng như Ban Chỉ đạo phòng chống dịch khi cần sự giúp đỡ”. Mặt khác, đối với việc xử lý rác thải trong gia đình, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của phường đã trang bị các túi phân loại rác thải sinh hoạt, y tế riêng và có biện pháp xử lý.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của phóng viên trên địa bàn phường Láng Thượng, từ khi công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được triển khai, một bộ phận người dân có tiếp xúc với trường hợp nghi nhiễm Covid-19 đã chủ động gọi điện, khai báo với chính quyền địa phương, đề nghị cán bộ y tế đến trực tiếp khám, theo dõi. "Có trường hợp, người dân đề nghị cán bộ phường khi gửi Quyết định cách ly để trước cửa nhà để tự ra lấy, tránh tiếp xúc trực tiếp với người khác khi không cần thiết” – Phó Chủ tịch, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 phường Láng Thượng Trần Thị Tuyết chia sẻ.
Kịp thời trấn an người dân
Qua khảo sát, tìm hiểu tại các địa phương có thể thấy, chính quyền và người dân đã có những cuyển biến, nâng cao ý thức, ứng xử văn hóa trong phòng, chống Covid-19. Theo chia sẻ của một cán bộ phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), thời gian qua, một số người dân trên địa bàn phường tỏ ra hoang mang vì nghĩ rằng người bị cách ly do Covid-19 là có kết quả dương tính.
Tại chung cư Tràng An có trường hợp, người dân sau khi ăn Tết ở Trung Quốc về Việt Nam được chính quyền địa phương ra quyết định cách ly, lực lượng chức năng thường xuyên đến giám sát, theo dõi. Khi biết thông tin này, dân cư sinh sống tại chung cư tỏ ra lo lắng nên đã tập trung người đến UBND phường yêu cầu gia đình phải được đưa đến trung tâm xét nghiệm, cách ly riêng và sẵn sàng chi trả mọi kinh phí.
Trước phản ứng đó của người dân, cán bộ phường đã phải làm công tác tư tưởng và lý giải: Trường hợp cách ly không đến từ vùng dịch và theo quy định, tất cả những người đến từ Trung Quốc đều phải cách ly. Trường hợp cách ly ở chung cư Tràng An chỉ còn 6 ngày, cán bộ y tế sẽ thường xuyên đến đo thân nhiệt và không được ra ngoài.
Mặt khác, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tại các phường cũng khuyến cáo, người dân không nên hoang mang khi sinh sống gần các trường hợp bị cách ly. Người dân nên tuân thủ các biện pháp tự phòng bệnh như đeo khẩu trang, vệ sinh tay bằng dung dịch cồn trước và sau khi tham gia các hoạt động công cộng, các điểm di tích.
Bên cạnh đó, tại các chung cư, phường Nghĩa Đô đã hướng dẫn các khu dân cư đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, góp phần phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, tập trung vào việc tuyên truyền Nhân dân hàng ngày tự giác dọn vệ sinh khu vực trước cửa nhà, không để rác thải tồn đọng dễ tạo môi trường cho dịch bệnh lây lan. Không tập trung đông người, hạn chế đi đến các địa điểm có nguy cơ lây lan dịch bệnh nếu không cần thiết; không vứt khẩu trang đã sử dụng bừa bãi trên lòng đường, vỉa hẻ; không khạc nhổ, phóng uế tùy tiện...

"Chúng tôi đã khuyến cáo người dân thường xuyên vệ sinh xung quanh khu vực sinh sống. Đồng thời, chúng tôi cũng hỗ trợ người dân cồn, dung dịch sát khẩu, khẩu trang nếu cần thiết. " - Phó trưởng Trạm Y tế phường Nghĩa Đô

Nguyễn Phú Lộc

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần