NATO tìm giải pháp đối thoại với Nga bất chấp căng thẳng ngoại giao

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lãnh đạo NATO khẳng định liên minh này sẽ sử dụng các cơ hội hiện có để thiết lập đối thoại với Nga.

 Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg. Ảnh: AP

Ngày 20/10, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg tuyên bố liên minh vẫn cần tìm các phương thức có thể để đối thoại với Nga sau khi Moscow đình chỉ phái đoàn ngoại giao trong liên minh vì tranh chấp gián điệp.
"Quan hệ giữa NATO và Nga hiện đang ở điểm thấp nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh kết thúc. NATO vẫn sẵn sàng đối thoại với Nga mặc dù hai bên đang có những bất đồng sâu sắc”, ông Stoltenberg nói trong một cuộc họp báo trước cuộc họp của bộ trưởng quốc phòng NATO hôm 20/10.
Theo Tổng thư ký Stoltenberg, điều quan trọng nhất vẫn là phải thiết lập kênh đối thoại trong bối cảnh quan hệ NATO-Nga đang leo thang căng thẳng.
Các quan chức ngoại giao cho biết, kênh liên lạc với Nga sẽ dựa vào đường dây nóng giữa Tổng tham mưu trưởng Nga Valery Gerasimov và Tod Wolters, Tư lệnh NATO tại châu Âu, cũng như các cuộc gặp của Tổng thư ký Stoltenberg với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.
Trước đó, hôm 18/10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết phái bộ ngoại giao của nước này tại NATO sẽ ngừng hoạt động từ ngày 1/11, nhằm đáp trả việc NATO trục xuất 8 thành viên thuộc phái bộ Nga tại trụ sở Brussels (Bỉ) hồi đầu tháng 10.
Hãng tin TASS dẫn lời Ngoại trưởng Lavrov thông báo các hoạt động của phái bộ quân sự NATO tại Moscow cũng sẽ phải tạm dừng và từ ngày 1/11, phía Nga cũng không công nhận các nhân viên phái bộ NATO tại Moscow. Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga nói thêm rằng, sự liên lạc giữa nước này và liên minh phương Tây có thể được duy trì thông qua Đại sứ quán Nga tại Bỉ..
Quan hệ giữa Nga và NATO đã xấu đi kể từ sau cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine năm 2014. Động thái mới nhất của Nga được cho là có nguy cơ khiến căng thẳng leo thang.
Phương Tây và Nga vẫn còn mâu thuẫn về Ukraine và liệu NATO có quyền mở rộng về phía đông hay không, nhưng các phiên họp của Hội đồng Nga-NATO đã giúp hai bên tránh bất kỳ cuộc đụng độ ngẫu nhiên nào trong khu vực.
Hôm 6/10 vừa qua, NATO đã quyết định giảm một nửa số nhân viên ngoại giao trong phái đoàn thường trực Nga tại liên minh quân sự này, từ 20 người xuống còn 10 người, đồng thời trục xuất 8 nhân viên trong phái đoàn hiện tại và hủy bỏ 2 vị trí còn trống.
Nga cáo buộc hành động của NATO trục xuất các nhà ngoại giao trong phái đoàn Nga tại trụ sở của liên minh quân sự này đã đi ngược lại những tuyên bố về nỗ lực đối thoại với Nga đưa ra trước đó./

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần