Ném chất bẩn vào nhà người khác bị xử lý thế nào?

KINHTEDOTHI.VN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cạnh nhà tôi có một hộ chuyên vay nặng lãi, mất khả năng trả nợ nên đã bị các đối tượng giang hồ đến nhà đòi tiền. Thậm chí, các đối tượng này còn ném chất thải, chất bẩn vào nhà này để gây áp lực.

Nhà tôi ở cạnh cũng bị vạ lây, dọn dẹp mãi vẫn không thể hết mùi. Tôi muốn hỏi pháp luật xử lý thế nào đối với hành vi nêu trên?
Nguyễn Văn Ngọc, huyện Đan Phượng, Hà Nội
Trả lời:
Hành vi ném chất thải, chất bẩn vào nhà người khác là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được pháp luật bảo vệ; gây rối trật tự công cộng làm ảnh hưởng lớn đến tình hình sinh hoạt của người dân và vệ sinh chung ở khu vực dân cư. Theo đó, hành vi của các đối tượng nêu trên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a Khoản 2, điểm b Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; PCCC; phòng, chống bạo lực gia đình.
Cụ thể, người thực hiện hành vi ném chất bẩn vào nhà người khác sẽ bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu”. Tuy nhiên nếu trong trường hợp đối tượng ném chất thải và chất bẩn vào nhà người khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Căn cứ theo Điều 318 về tội gây rối trật tự công cộng, người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm: Có tổ chức; Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; Xúi giục người khác gây rối; Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; Tái phạm nguy hiểm.
Luật sư Nguyễn Hồng Quang - Đoàn Luật sư Hà Nội