Bóng đá Việt Nam: Cần một chiến lược

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - VFF đang gấp rút tìm một HLV cho đội tuyển quốc gia (ĐTQG). Người ta cố gắng đưa ra thật nhiều tiêu chí tuyển chọn, thậm chí cố gắng tạo các nguồn tài chính để có được món hàng chất lượng cao. Nhưng để có được một đội tuyển mạnh thì chỉ có HLV giỏi thôi là chưa đủ.

Khi VFF bị trách oan
Nhiều lần, VFF bị dư luận chỉ trích vì không hoàn thành công tác đào tạo trẻ. Điều này khiến cho ĐTQG không có được lực lượng cầu thủ chất lượng tham dự các sự kiện lớn. Thậm chí, việc ĐTQG không có tiền đạo giỏi cũng là lỗi của VFF không đào tạo được những chân sút giỏi mà phó thác cho các CLB.

Các cầu thủ Việt Nam trong một buổi tập.

Vậy nhưng, việc ĐTQG có cầu thủ giỏi hay không, tiền đạo của đội tuyển bản lĩnh hay không bản lĩnh đôi khi chẳng phụ thuộc vào VFF. Trên thế giới, chẳng có liên đoàn nào đảm trách nhiệm vụ đào tạo trẻ. Họ chỉ có trách nhiệm tạo định hướng phát triển, điều hành nền bóng đá và tập trung, huấn luyện các đội tuyển cho những nhiệm vụ quốc tế. Nhưng ở Việt Nam thì khác, VFF được mặc định làm những việc siêu nhiên, nên mọi thành bại của đội tuyển, của nền bóng đá đều được đổ lên vai VFF. Thế nhưng, thực tế là VFF không thể thay các đội bóng đào tạo trẻ, bởi họ không có chức năng và cũng chẳng có được điều kiện để tham gia vào công việc này. Họ cũng không thể bắt các CLB dùng cầu thủ trẻ, dành suất đá chính cho các tiền đạo nội, bởi điều này liên quan đến quyền lợi của các CLB.
Nhiệm vụ của VFF là định hướng phát triển nền bóng đá thông qua các chính sách. VFF cũng có thể trực tiếp thực hiện những công việc mà nền bóng đá không mạnh, hoặc không có đội bóng nào muốn tham gia như phát triển bóng đá nữ. Thực tế là vài năm gần đây, khi các đội bóng không mặn mà với việc đào tạo cầu thủ trẻ thì VFF đã huấn luyện các lứa U14, U16, U19 nữ để có lực lượng kế cận cho ĐTQG. Thế nhưng, để VFF ôm cả chiến lược đào tạo trẻ là bất khả, bởi đó là trọng trách của các đội bóng khi họ phải thực hiện chính sách tạo nguồn nhân lực nhằm có được đội ngũ kế cận.
Đau đáu tìm một chiến lược gia
Tới đây, VFF sẽ phải tìm cho được một HLV có khả năng gánh vác sứ mệnh của nền bóng đá. HLV đó phải đáp ứng được những tiêu chí mà VFF đưa ra, trong đó có việc thấu hiểu bóng đá Việt Nam, Đông Nam Á và châu Á. Thế nhưng, nhiều chuyên gia gạo cội cho rằng, ngay cả khi VFF có đủ khả năng phá bỏ những rào cản về hành chính và tài chính để thuê những HLV giỏi nhất thì đó cũng không phải là bài toán giải quyết gốc rễ những vấn đề của nền bóng đá. Bóng đá Việt Nam rất cần một nhà cầm quân tài ba cho ĐTQG, nhưng sẽ chẳng có thành công nếu thiếu nền tảng về con người. Nền tảng ấy đến từ các CLB, từ sự chuyên nghiệp của họ trong cách phát triển hệ thống đào tạo trẻ.
Bóng đá nước nhà cần những nhà cầm quân giỏi. Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng, VFF phải tìm kiếm những HLV ngoại vì chỉ có họ mới thoát khỏi sự cục bộ trong quá trình xây dựng đội bóng. Thế nhưng, đó chỉ là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài, nền bóng đá cần những chiến lược bài bản. Ở đó, các đội bóng thay vì phát triển nóng, hướng đến thành tích nhằm phục vụ những toan tính kinh doanh của các ông bầu sẽ đầu tư một cách bài bản cho bóng đá trẻ. Bên cạnh đó, các đội bóng phải có chiến lược bồi dưỡng và phát triển nhân tài cùng những đội ngũ nhân sự khai thác giá trị thương mại từ bóng đá. Bởi lẽ, một khi các đội bóng vẫn sống bằng bầu sữa vốn không ổn định từ các ông bầu thì thật khó để tìm kiếm sự phát triển bền vững.
Vì thế, dư luận cho rằng, đã đến lúc VFF phải xây dựng một chiến lược tổng thể nhằm phát triển bóng đá nước nhà. Chiến lược đó phải dựa trên tinh thần của chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã được Chính phủ phê duyệt. Vậy nhưng, để xây dựng và phát triển chiến lược cụ thể cho bóng đá thì một mình VFF thôi là chưa đủ, mà cần sự vào cuộc của các ban ngành, đặc biệt là những địa phương có đội bóng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần