Nhu cầu thực tế
Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Nguyễn Trong Ninh cho biết, căn cứ kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã được công bố, cả nước có gần 2,7 triệu hộ gia đình; trong đó, có 11% hộ độc thân, tương đương khoảng 3 triệu hộ và 18,6% hộ có 2 người - tương đương gần 5 triệu hộ.
Cùng với đó, cơ sở pháp luật cũng đã có nhiều văn bản quy định đến vấn đề liên quan, như: Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đã quy định về tiêu chuẩn diện tích tối thiểu của nhà ở xã hội là 25m2; Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng xác định chỉ tiêu diện nhà ở tối thiểu đến năm 2015 đạt bình quân 6m2/người và đến năm 2020 là 8m2/người.
Căn hộ mini sẽ đáp ứng nhu cầu của đông đảo nhóm dân số trẻ là những người chưa có thời gian tạo lập tài chính (Ảnh internet). |
“Dựa trên cơ sở một số quy định của pháp luật, đã cho phép phát triển mô hình căn hộ mini và căn cứ vào nhu cầu thực tế về số lượng cơ cấu hộ gia đình quy mô nhỏ, từ 1 - 2 người đặc biệt là đối tượng độc thân trên cả nước rất lớn. Quy mô căn hộ nhỏ sẽ đáp ứng nhu cầu của những hộ gia đình ít người” – ông Nguyễn Trọng Ninh cho hay.
Làm tốt công tác quản lý
Hiện nay, tại một số đô thị lớn đang đẩy mạnh mục tiêu tăng trưởng về diện tích sàn nhà ở bình quân trên đầu người lớn hơn so với diện tích 25m2/căn hộ thương mại được cho phép xây dựng, kinh doanh từ ngày 1/7/2020. Về vấn đề này, KTS Trần Huy Ánh – Hội KTS Hà Nội cho rằng, quy định cho phép kinh doanh căn hộ thương mại có diện tích 25m2 và việc đặt mục tiêu tăng trưởng diện tích sàn nhà ở tại các đô thị có “lệch pha” với nhau. Trước tình trạng dân số gia tăng nhanh, đất đai tại các đô thị lớn ngày càng hạn hẹp, việc cho phép xây dựng căn hộ chung cư mini sẽ giúp tiết kiệm tài nguyên đất.
“Tôi cho rằng, chính quyền các đô thị không nên đặt mục tiêu tăng trưởng diện tích sàn nhà ở trên một đơn vị đầu người, vì đây là mục tiêu phi thực tế, tạo nên hố sâu phân cách giàu nghèo. Tôi ủng hộ mô hình căn hộ siêu nhỏ nhưng phải đủ an toàn, tiện nghi và đáp ứng đầy đủ hạ tầng xã hội, đặc biệt là việc chủ đầu tư phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước” – KTS Trần Huy Ánh cho hay.
Các chuyên gia đều cho rằng, nhiều nước trên thế giới đều cho phép xây dựng căn hộ có diện tích nhỏ như: Pháp là 15m2, Hàn Quốc là 16m2, Thái Lan từ 15 – 20m2 hay ở New York (Mỹ) và một số TP của Italia... Việc cho phép căn hộ có diện tích nhỏ phát triển là phù hợp với điều kiện thực tế và tình hình tại Việt Nam hiện nay. Nhưng cần phải đáp ứng đúng điều kiện theo quy định tại Thông tư Thông tư 21/2019, diện tích sử dụng tối thiểu của căn hộ chung cư sẽ không nhỏ hơn 25m2 (đối với dự án nhà ở thương mại) nhưng phải đảm bảo tỷ lệ căn hộ chung cư có diện tích nhỏ hơn 45m2 không vượt quá 25% tổng số căn hộ chung cư của dự án, cùng các điều kiện hạ tầng, chỉ tiêu dân số... đi kèm.
“Khi cấp phép xây dựng các dự án chung cư, chính quyền địa phương có trách nhiệm căn cứ theo quy hoạch phân khu, chi tiết, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội… để xem xét việc đảm bảo chỉ tiêu dân số, mật độ xây dựng, chiều cao công trình. Đây chính là cách để đảm bảo kiểm soát về dân số cũng như không quá tải về hạ tầng kỹ thuật, xã hội của dự án và việc kết nối với các khu vực lân cận” – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS Nguyễn Trọng Ninh cho biết thêm.