Nền kinh tế chia sẻ: Lợi ích cho các chủ đầu tư bất động sản

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, các hình thức kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ dựa trên nền tảng công nghệ như Uber, Grab hay Airbnb đã mang tới cho nền kinh tế Việt Nam một luồng gió mới. Mô hình kinh doanh này nhận được sự quan tâm và tham gia của đa số người dân. Đối với lĩnh vực BĐS, nền kinh tế chia sẻ là một xu hướng sẽ tồn tại trong dài hạn và đây là một tin cực kỳ đáng mừng cho các chủ đầu tư BĐS.

Nhiều lợi ích
Mô hình kinh tế chia sẻ vào Việt Nam từ năm 2016, khi cơ quan quản lý nhà nước cho phép thí điểm mô hình Uber - ứng dụng gọi xe công nghệ tại 5 TP lớn. Tiếp đó, lần lượt là Grab, Go-Việt, Bee, FastGo xuất hiện đã cung cấp các dịch vụ taxi, “xe ôm” công nghệ, giao đồ ăn... Việc này không chỉ tạo sự tiện lợi, mà còn mang đến việc làm, thu nhập và góp phần làm thay đổi thói quen tiêu dùng, sinh hoạt của người dân.
Trước đó vào năm 2007, mô hình chia sẻ căn hộ dành cho những vị khách lạ đến ở chung và nấu ăn trước tình trạng thuê nhà quá đắt đỏ tại San Francisco (Mỹ), được gọi là Airbnb ra đời. Sau chưa đầy 9 năm, từ ý tưởng chia sẻ căn hộ, đã hình thành nên một doanh nghiệp khổng lồ, được định giá 31 tỷ USD trong năm 2017, khiến ngành công nghiệp khách sạn truyền thống trên toàn cầu đều phải lo lắng.
Đây là những nền tảng đầu tiên của “nền kinh tế chia sẻ”, mô hình đã trở thành xu thế mới và mang lại nguồn lợi tài chính khổng lồ, cũng như mang lại nhiều tiện ích dịch vụ mới cho xã hội.
Kinh tế chia sẻ là xu hướng mới của giai đoạn Cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo KS Trần Văn Quang - Hội Công nghệ thông tin và phần mềm Việt Nam, nền kinh tế chia sẻ đang phát triển ngày càng lớn mạnh hơn trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, với sự kết nối của internet, đã làm thay đổi toàn bộ tư duy sử dụng dịch vụ của con người.
“Thay vì việc người ta phải đến tận các cửa hàng để lựa chọn mua đồ hoặc phải đi tìm khắp nơi để thấy được món đồ mình đang cần, thì chỉ cần lên mạng search từ khóa món đồ đang cần, một cú click là sản phẩm sẽ được mang đến tận nhà. Đối với những người không có nhiều thời gian đi mua sắm, thì đây là phương án hiệu quả nhất” - ông Quang nói.
Nhờ vào việc chia sẻ những tài nguyên sẵn có bằng các ứng dụng công nghệ, cùng những khoản lợi nhuận khổng lồ đem lại cho nhà cung ứng dịch vụ lẫn người cho thuê và sử dụng tài nguyên, đã khiến mô hình kinh doanh này nhanh chóng phát triển lan rộng toàn thế giới. Theo nghiên cứu của Công ty Kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC), ước tính doanh thu toàn cầu từ các công ty cung cấp ứng dụng nền tảng kinh doanh chia sẻ sẽ đạt tới 335 tỷ USD vào năm 2025 so với doanh thu năm 2014 mới khoảng 15 tỷ USD.
“Điều quan trọng hơn, khi kinh tế chia sẻ phát triển tạo thêm nhiều việc làm mới, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động với mức thu nhập ổn định. Kinh tế chia sẻ không chỉ là sự tương tác giữa người bán - người mua, mà còn mang lại lợi ích cho cả những người đưa hàng” - KS Trần Văn Quang cho biết thêm.
Kinh tế chia sẻ bao trùm thị trường BĐS
Các nhà đầu tư BĐS chủ yếu sẽ quan tâm đến việc chia sẻ có tính phí. Tính linh hoạt vẫn được cho là một lợi ích cho người sử dụng, bởi người dân cần được cung cấp các dịch vụ, đổi lại nhà đầu tư sẽ thu được lợi nhuận cao hơn. Các doanh nghiệp thì sẽ tính đến bài toán cung cấp dịch vụ không gian làm việc chung của dự án, một phần của một tòa nhà có thể được sử dụng làm văn phòng linh hoạt, nhưng bản thân diện tích linh hoạt này cũng có thể được điều chỉnh linh hoạt, vì vậy mà các tòa nhà có thể thích ứng dễ dàng hơn với nhu cầu của thị trường.
Trưởng bộ phận Nghiên cứu châu Á Thái Bình Dương của Savills Simon Smith cho biết, Tối đa hóa doanh thu là mục tiêu của mọi doanh nghiệp và nền kinh tế chia sẻ cho phép chủ nhà gia tăng thu nhập từ cùng một không gian.
Vì vậy, các cửa hàng pop-up có thể đem đến một làn gió mới và tăng doanh thu cho trung tâm thương mại, nhưng các cửa hàng này cũng có thể xuất hiện trong các văn phòng, hay khách sạn và biến mất khi sức hút đã giảm dần hoặc chủ nhà tìm được cách sử dụng không gian đó hiệu quả hơn.
Kinh tế chia sẻ cũng đang bao trùm lên cả thị trường BĐS.
“Với cửa hàng tại văn phòng, sự kiện tại trung tâm mua sắm và khách sạn trong gia đình, rõ ràng rằng nền kinh tế chia sẻ đang xóa nhòa ranh giới với các phân khúc BĐS. Một nhiệm vụ quan trọng đối với các nhóm vận động hành lang trong lĩnh vực BĐS là cập nhật các mô hình BĐS mới với các cơ quan quy hoạch (thường thiếu nhanh nhạy hơn thị trường), nếu không thì thị trường BĐS sẽ không thể tận dụng triệt để được những lợi ích của mô hình kinh tế chia sẻ này” – ông Simon Smith nói.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hoạt động kinh doanh BĐS với sự đề cao tính truyền thống và tương tác cá nhân giữa người bán với người mua, tưởng chừng sẽ khó có thể bị tác động bởi "kinh tế chia sẻ". Nhưng trên thực tế, nó lại được cập nhật một cách thường xuyên và liên tục, đang bị ảnh hưởng tương đối lớn và ngày càng bao trùm toàn thị trường.
Theo chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) Vũ Tuấn Trường, việc khách hàng chủ yếu tiếp cận thông tin qua internet, khiến cho việc chào bán sản phẩm BĐS không chỉ là "độc quyền" của riêng cá nhân, hay sàn giao dịch nào, mà là cả cộng đồng trên thị trường. Trong đó, người bán cũng có thể đồng thời là người mua và ngược lại, người mua đồng thời cũng là người bán.
Chủ đầu tư là người cung ứng sản phẩm ra thị trường, còn lại toàn bộ các khâu tiếp thị, quảng cáo, bán hàng sẽ là bất kỳ ai một khi người đó tham gia vào mô hình "nền kinh tế chia sẻ" do một đơn vị trung gian cung cấp.
“Kinh tế chia sẻ mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia, khách hàng có thể tiếp cận được nguồn hàng lớn, thông tin về nguồn hàng, thông tin về chủ đầu tư, đơn vị phân phối, tìm hiểu năng lực của chủ đầu tư, tính pháp lý của sản phẩm… thậm chí khách hàng còn có thể trở thành người môi giới trên chính sản phẩm của mình” – ông Trường cho hay.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, để đảm bảo sự công bằng cho cho các bên tham gia và hoạt động “kinh tế chia sẻ” thì cần phải thiết lập một khuôn khổ pháp lý cho mô hình kinh tế chia sẻ, phù hợp với sự phát triển của thị trường đồng thời giúp cơ quan chức năng dễ dàng trong việc quản lý, tránh thất thoát nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần