Nên lấy ý kiến cộng đồng trước khi lát đá 11 tuyến phố cổ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề án lát đá 11 tuyến phố cổ của UBND quận Hoàn Kiếm đã thể hiện được sự quan tâm của quận đến việc thúc đẩy du lịch, qua đó nâng cao vị thế thương hiệu “Phố cổ” cho Hà Nội.

Phố Tạ Hiện, quận Hoàn Kiếm.	 Ảnh: Thanh Hải
Phố Tạ Hiện, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Thanh Hải
Tuy nhiên, việc lập đề án cải tạo khi chưa có cái nhìn thực tế một cách thông suốt, cặn kẽ đã gặp phải sự tranh cãi từ phía người dân và các nhà khoa học.   

Đi dưới lòng đường cho… an toàn  
11 tuyến phố được đề xuất lát đá gồm: đoạn còn lại của phố Tạ Hiện, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giấy, Hàng Buồm, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, Hàng Giầy, Đào Duy Từ. Việc lát đá được thực hiện bằng giải pháp đổ bê tông trên nền đường, mặt đường lát bằng đá tự nhiên, kích thước 10x10x10 cm. Nguồn vốn thực hiện lấy từ ngân sách của quận Hoàn Kiếm. Thời gian thực hiện từ năm 2015 - 2016.

Trước Đề án này đã có một dự án lát đá được hoàn tất, đó là việc lát đá vỉa hè một số tuyến phố tại Hoàn Kiếm. Hiện tại, đã qua hơn một năm và hiệu quả của việc lát đá vỉa hè bằng đá đã được nhìn nhận bằng các thông tin thực tế. Bà Vũ Thị Phi - Chủ tịch Hội LHPN chợ Đồng Xuân cho biết: “Vỉa hè lát bằng đá tự nhiên trên phố Hàng Ngang – Hàng Đào dẫn đến chợ Đồng Xuân thoạt đầu rất được bà con tán đồng vì đẹp, bóng, dễ dọn vệ sinh. Tuy nhiên đến thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán mới bộc lộ những điểm yếu”.

Có thể thấy, khi độ ẩm không khí cao, hơi nước bị ngưng tụ trên bề mặt đá (dân gian gọi là bị nồm) đã gây trơn trượt rất nguy hiểm. Thời gian này kéo dài 3 tháng trước và sau Tết kèm thêm mưa phùn đã gây trơn trượt khiến nhiều người trượt ngã, nhất là khách du lịch nước ngoài. Do đó, để bảo đảm an toàn, người dân đã chọn cách đi bộ xuống lòng đường cho… an toàn.

Kỹ sư Nguyễn Đức Trung, chuyên ngành vật liệu Silicat - Phó Giám đốc kỹ thuật Công ty Gạch Granite Thạch Bàn (Hà Nội) cho biết: Trong nguyên tắc xây dựng tại các nước có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa như ở Việt Nam, việc sử dụng đá thiên nhiên có độ nhẵn cao để lát nền ngoài trời rất nên hạn chế. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng hơn 40 ngày không khí và hơi nước bị bão hòa gây hiện tượng ngưng tụ nước trên bề mặt đá, gây trơn trượt rất nguy hiểm. Các nước châu Âu có độ ẩm thấp, do vậy họ có thể dùng đá lát đường đi mà không gây nguy hiểm. Người Pháp khi sang Việt Nam cũng không dùng vật liệu đá lát nền những nơi thường đi lại. Có thể dễ nhận thấy điều này tại các công trình kiến trúc Pháp cổ tại Hà Nội, các kiến trúc này giữ nguyên kiến trúc Pháp nguyên bản, nhưng thay vào việc dùng đá lát nền (hoặc lối lên cầu thang), họ dùng đá dăm trộn xi măng làm giả đá để tránh việc trơn trượt”.          

Chưa lấy ý kiến của Nhân dân 

Theo UBND quận Hoàn Kiếm, từ năm 2011, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội đã thực hiện Dự án cải tạo thí điểm mặt đứng một đoạn phố Tạ Hiện kết hợp với cải tạo hè, đường phố Tạ Hiện (đoạn từ ngã tư Lương Ngọc Quyến đến ngõ Đào Duy Từ), bằng cách đổ bê tông lót mác 300, dày 25cm; bề mặt hoàn thiện lát đá tự nhiên 10x10x10cm. Từ khi hoàn thành đưa vào sử dụng đến nay, công trình đã phát huy tốt giá trị của dự án, trở thành điểm thu hút du khách đến với khu phố cổ Hà Nội. Do đó, để đảm bảo tính đồng bộ về hạ tầng, thúc đẩy hoạt động thương mại dịch vụ và du lịch gắn với bảo tồn không gian kiến trúc truyền thống, phù hợp với việc mở rộng tuyến phố đi bộ trong khu phố cổ Hà Nội, quận Hoàn Kiếm đưa ra đề xuất lát đá lòng đường các tuyến phố nêu trên.  

Tuy nhiên, khi trao đổi với người dân, đánh giá về hiệu quả của việc lấy đá lát lòng đường đã có rất nhiều ý kiến trái chiều. Ông Trần Miễn - Tổ trưởng Tổ dân phố 25, Hàng Buồm (Tạ Hiện) cho biết: “Đoạn đường lát đá này rất nguy hiểm vào lúc trời nồm hoặc mưa phùn, rất nhiều người bị ngã vì trơn trượt. Vào thời điểm đó, chúng tôi phải mang ghế ngăn đường cùng bảng thông báo “Đường trơn trượt, nguy hiểm, cẩn thận khi đi lại”. Và giờ đây thì việc trơn trượt không chỉ diễn ra vào mùa nồm hoặc mưa phùn nữa”. Nhưng theo phản ánh, ngay cả ngày nắng ráo hiện tượng trơn trượt cũng xảy ra trên đoạn phố lát đá tại Tạ Hiện, vì khu vực này là nơi có các quán hàng ăn, nên dầu mỡ vương vãi ra đường.

Tại 11 tuyến đi bộ ở phố cổ nằm trong Đề án lát đá đều kín các hàng ăn, vì thế nếu được triển khai, sau khi hoàn thành, có thể khu đi bộ phố cổ sẽ có nguy cơ trở thành một sân trượt băng khổng lồ. Nhiều người dân khi được hỏi đều cho biết, thông tin về Đề án lát đá 11 tuyến phố mới chỉ biết qua báo chí chứ chưa được thông báo rộng rãi để lấy ý kiến. Thật đáng tiếc khi ý kiến của những người dân sống nhiều năm bên đoạn phố lát đá thí điểm này bị bỏ qua.

Tuyến phố đi bộ trong phố cổ giờ đã thực sự thành một báu vật của du lịch Hà Nội, sẽ phải có đầu tư nâng cấp và trùng tu để nâng vị thế thương hiệu “phố cổ”. Do đó, mỗi lần nâng cấp và trùng tu sẽ còn có những tranh cãi để có được những thiết kế, những vật liệu tốt nhất cho những con phố. Vì vậy, khi nhận được đề xuất của quận Hoàn Kiếm, UBND TP Hà Nội đã giao cho các sở, ngành thẩm định kỹ lưỡng trước khi triển khai. Rất mong các sở, ngành khi nghiên cứu đề án nên lấy ý kiến rộng rãi của người dân sống, gắn bó với các khu phố cổ. Có như vậy mới vừa đảm bảo tính đồng bộ về hạ tầng, thúc đẩy hoạt động thương mại dịch vụ và du lịch gắn với bảo tồn không gian kiến trúc truyền thống khu vực phố cổ.
“Nên căn cứ vào hiệu quả đợt thí điểm phố Tạ Hiện để trao đổi trước khi triển khai đại trà, vì dù sao cũng nên có kết luận cụ thể về mặt tích cực cả về thẩm mỹ, tính chất lịch sử của khu di sản và đặc biệt là lắng nghe sự phản hồi cũng như sự hài lòng của người dân đang sống trong khu phố cổ cùng du khách về việc này”.
PGS.TS Đặng Văn Bài Nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần