Nền nhiệt diễn biến bất thường, khó lường

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia, các đợt nắng nóng sẽ còn tiếp tục xuất hiện và tập trung từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 8/2020 (có khoảng 4 - 6 đợt).

 Người dân mua áo chống nắng tại một cửa hàng trên phố Kim Mã. Ảnh: Hải Linh
Thiên tai khốc liệt,
Theo dự báo của Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh (Met Office), năm 2020 sẽ là một trong những năm nóng kỷ lục, với nhiệt độ toàn cầu tăng có thể tăng 1,1oC so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp, kéo dài số năm ấm nhất liên tiếp thêm ít nhất 1 năm nữa (từ năm 2015) kèm theo đó là tính bất ổn định cao của khí quyển trên quy mô toàn cầu, khu vực. Đây là dấu hiệu cho thấy khả năng thiên tai KTTV năm 2020 sẽ khốc liệt, phức tạp, khó lường.
Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu nên thiên tai có diễn biến bất thường, không chỉ xảy ra trong mùa mưa bão và còn diễn ra quanh năm, ngay cả trong những tháng được xem là hiếm có thiên tai như trước đây. Chính vì vậy, toàn ngành KTTV cũng phải chuyển đổi, công tác chuẩn bị và triển khai hệ thống dự báo KTTV quốc gia phải thường xuyên, liên tục, không chỉ chờ đến mùa mưa bão mới chuẩn bị.
Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái
Thực tế ở Việt Nam, từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều hiện tượng thời tiết, khí hậu bất thường như mưa to kèm dông lốc, mưa đá liên tục xảy ra ở các tỉnh phía Bắc, vào các thời điểm rất hiếm khi, thậm chí chưa từng xảy ra; hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra ở Nam Bộ, Trung Bộ. Điều này đã thể hiện tính chất phức tạp của thiên tai KTTV. Theo các chuyên gia, các dấu hiệu về hoạt động của ENSO và dự báo hạn dài về hoàn lưu khí quyển cho thấy, khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện nhiều cơn bão rất mạnh trong năm 2020 này.
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cũng cho biết, năm 2020 diễn biến khó lường, mưa nhiều, bão, lũ tập trung vào nửa cuối năm, nhất là khu vực Trung Bộ. Dự báo khả năng có khoảng 11 - 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có khoảng 5 - 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Đáng lưu ý, dự báo nền nhiệt độ cao hơn TBNN khoảng 0,5 - 1,5oC ở khu vực phía Bắc; 0,1 - 1oC ở phần lãnh thổ phía Nam. Số ngày nắng nóng, nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt dự báo không nhiều như năm 2019. Hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá thường xuất hiện vào thời kỳ giao mùa trên phạm vi toàn quốc.
Diễn biến khó lường
Trao đổi về đợt nắng nóng vừa qua với Kinh tế & Đô thị, ông Đinh Hữu Dương - Trưởng phòng Dự báo KTTV Đài KTTV khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, cho biết, mặc dù đây mới là đợt nắng nóng thứ hai nhưng nhiệt độ đã đạt có thời điểm trên 40oC. Trong khi chỉ cách đây trước một tháng, miền Bắc đang chịu không khí lạnh khiến người dân phải mặc áo rét. Nắng nóng năm nay đến muộn hơn so với mọi năm nhưng nhiệt độ lại tăng nhanh khó lường. “Qua theo dõi và tổng kết cho thấy, mùa Đông năm 2019 - 2020 khá đặc biệt và kéo dài. Điều đặc biệt hơn cả đó là tháng 4/2020 đã quan trắc được 6 ngày trên khu vực đồng bằng Bắc Bộ trời rét, trong đó đêm, sáng sớm ngày 13 và 14/4 có rét đậm, nhiệt độ thấp nhất phổ biến 14,5 - 15,5oC; Chí Linh (Hải Dương) 13,3oC vào sáng ngày 14/4. Đây là những giá trị nhiệt độ thấp nhất, rất hiếm gặp trong chuỗi số liệu nhiều năm” – ông Dương cho biết.
Cũng theo Trưởng phòng Dự báo KTTV Đài KTTV khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, đầu tháng 5/2020, do tác động của vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng phơn trong ngày 5 và 10/5 đã xuất hiện nắng nóng trên khu vực đồng bằng Bắc Bộ, tuy nhiên đợt nóng nắng này có cường độ không mạnh, không gay gắt và không kéo dài. Đợt nắng nóng bắt đầu từ ngày 20/5 có sự gia tăng nhiệt độ rất nhanh, ngay trong ngày đầu tiên của đợt đã xuất hiện nắng nóng gay gắt trên diện rộng, nhiều nơi đã ghi nhận được nhiệt độ trên 37 độ C và 21/5 có nơi trên địa bàn Hà Nội nhiệt độ 40oC. “Sự bất thường và khó lường của thời tiết trong thời gian tới nhiều khả năng còn tiếp diễn, không chỉ xảy ra đối với nắng nóng mà còn có thể xảy ra đối với các hiện tượng thời tiết thủy văn khác như dông, lốc, sét, mưa đá, mưa lớn cục bộ” - ông Dương nhận định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần