Nền tảng “thành phố thông minh” đang hình thành

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xuất phát từ yêu cầu thực tế, Hà Nội đang tập trung ưu tiên phát triển các thành tố thông minh trong các lĩnh vực: Chính quyền điện tử, giao thông, giáo dục, y tế, môi trường và đã đạt được các kết quả bước đầu.

Coi trọng công nghệ thông tin
Trong tiến trình xây dựng “thành phố thông minh”, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) được Hà Nội đặc biệt coi trọng. Sau nhiều nỗ lực, TP đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư cho hơn 7,5 triệu người dân Hà Nội và khai thác hiệu quả phục vụ để triển khai các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, DN, công tác quản lý điều hành và ứng dụng CNTT trong tất cả các lĩnh vực, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử.

Trung tâm điều khiển giao thông Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Trong lộ trình xây dựng “thành phố thông minh”, lĩnh vực giao thông thông minh được Hà Nội ưu tiên xây dựng. Ngày 1/5/2017, Hà Nội bắt đầu triển khai thí điểm ứng dụng tìm kiếm và thanh toán trông giữ xe ôtô qua điện thoại di động (iParking) trên 2 tuyến phố Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) với 17 điểm đỗ, sức chứa 248 xe. Với giao diện thân thiện và tích hợp nhiều tính năng tiện ích cho người dùng, sau hơn 1,5 tháng triển khai thí điểm, đã có hơn 56.000 giao dịch tìm kiếm, thực hiện ứng dụng. Mới đây, Sở GTVT đã đề xuất với TP từ ngày 1/10 cho tiếp tục mở rộng dịch vụ tại 161 điểm trông giữ và 9 tuyến trên địa bàn 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.
 Hiện, TP đã xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông đô thị với 500 camera trên các tuyến giao thông trọng điểm để giám sát, lưu lượng và xử phạt vi phạm. Đồng thời, triển khai ứng dụng quản lý hành trình hơn 100 tuyến xe buýt với 1.600 xe tạo điều kiện cho các công ty xe buýt quản lý và điều hành tốt mạng lưới xe, cung cấp thông tin chính xác cho người dân về hành trình của từng tuyến xe.
Theo lộ trình, trong năm 2017 và 2018, Hà Nội tập trung triển khai xây dựng Trung tâm Giám sát, điều hành tập trung của TP, bao gồm các chức năng: Điều hành giao thông; phân tích dữ liệu kinh tế - xã hội phục vụ quản lý, điều hành của TP; giám sát đảm bảo an toàn, an ninh thông tin… Trong các lĩnh vực khác nhau, việc ứng dụng CNTT cũng đã tạo những tiện ích và nền tảng cho “thành phố thông minh”. Như trong giáo dục, từ năm 2016, TP đã tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 tại 2.620 đơn vị trường học. TP cũng đã triển khai ứng dụng cấp hồ sơ khám sức khỏe điện tử cho trên 7,5 triệu công dân, tầm soát ung thư sớm cho hơn 2 triệu người trên 40 tuổi trên địa bàn. Kết nối các bệnh viện, liên thông khám chữa bệnh với hệ thống bảo hiểm y tế. Trong lĩnh vực môi trường, TP đã cung cấp thông tin quan trắc môi trường cho người dân về chất lượng không khí, chất lượng nước, lượng mưa, bản đồ ngập úng...
Tăng hợp tác, giải tỏa khó khăn
Tại phiên đối thoại về Kinh tế số trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) lần thứ hai năm 2017, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định: Xây dựng “thành phố thông minh” là hướng đi bắt buộc của các đô thị lớn trên thế giới nói chung, các đô thị của Việt Nam nói riêng và đặc biệt là Thủ đô Hà Nội. Xây dựng Chính phủ điện tử và “thành phố thông minh” giúp Hà Nội giảm chi phí trong quản lý của bộ máy chính quyền, chi phí của DN, là công cụ chính để thực hiện cải cách hành chính.
 Hà Nội đã mạnh dạn “vứt bỏ” 170 chương trình phần mềm và sever riêng lẻ của các quận, huyện, các phần mềm sử dụng quỹ viễn thông công ích để xây dựng hệ thống mạng WAN tập trung từ TP đến 584 phường, xã, 30 quận, huyện, thị xã. Đồng thời, đảm bảo cơ sở hạ tầng CNTT đến cấp xã để triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến và các ứng dụng chuyên ngành. 100% sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn sử dụng phần mềm quản lý văn bản kết nối, liên thông trên môi trường mạng… Cùng với đó, Hà Nội cũng đang vượt qua những khó khăn như việc kết nối liên thông đến cổng dịch vụ công quốc gia.
Tuy nhiên, để xây dựng thành công “thành phố thông minh”, ngoài sự nỗ lực của Hà Nội rất cần có sự tham gia đầy đủ các thành phần từ Chính phủ, DN và cộng đồng. Theo lãnh đạo TP, trong quá trình triển khai, Hà Nội luôn chú trọng thu hút các nguồn lực đầu tư từ xã hội. Đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm và tri thức thông qua việc ký kết văn bản ghi nhớ với nhiều tập đoàn trong và ngoài nước. Hà Nội đã trao đổi, thống nhất ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty Microsoft Việt Nam hợp tác về việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng “thành phố thông minh”. Microsoft Việt Nam sẽ tham gia tư vấn, hỗ trợ các ứng dụng CNTT để xây dựng chính quyền điện tử, “thành phố thông minh”.
Như Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã nhấn mạnh, với Hà Nội, xây dựng “thành phố thông minh” nhằm hướng tới cuộc sống tốt đẹp cho người dân, lấy người dân làm trung tâm. Nhiều chuyên gia cũng nhận định, với lộ trình phát triển được chia thành 3 giai đoạn (trong đó, giai đoạn đến năm 2020: Hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của “thành phố thông minh” như: Nền tảng cơ sở hạ tầng, các cơ sở dữ liệu cốt lõi (dân cư, đất đai, DN...), xây dựng chính quyền điện tử…), Hà Nội đang bước đi thận trọng, chắc chắn sẽ là địa phương đi đầu cả nước trong xây dựng TP thông minh.
Từ định hướng xây dựng “thành phố thông minh”, Hà Nội đã thông qua kế hoạch thực hiện trong 2 năm tới. Trong đó, năm 2017, TP xác định là năm đột phá căn bản về CNTT, tập trung cải thiện các lĩnh vực thiết yếu, hoàn thành cơ bản những thành tố thông minh.