Nếu bỏ kỳ thi THPT quốc gia, tiêu cực còn nhiều hơn?

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm nào cũng thế, tỉ lệ tốt nghiệp THPT trong cả nước gần 98% nên một số ý kiến cho rằng, đã đến lúc nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1” để tránh xảy ra tiêu cực trong thi cử. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nếu bỏ kỳ thi THPT quốc gia, tiêu cực sẽ nhiều hơn.

Kỳ thi THPT quốc gia có mục đích xét tốt nghiệp THPT và lấy kết quả làm căn cứ xét tuyển đại học, cao đẳng được Bộ GD&ĐT giao về cho các địa phương tổ chức đến nay là năm thứ hai. Bộ GD&ĐT khẳng định cách làm này giảm được chi phí cho người dân cũng như học sinh có tâm trạng thoải mái khi bước vào phòng thi làm bài đạt kết quả tốt. Điều này được đa số dư luận đồng tình.
 Thí sinh kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2018
Nhưng, kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã xảy ra tiêu cực thi cử vô cùng nghiêm trọng ở Hà Giang, khiến nhiều người nghĩ lại. GS Phạm Tất Dong chỉ rõ nguyên nhân cơ bản dẫn đến nâng điểm thi tại Hà Giang chính là do tổ chức kỳ thi “2 trong 1”. Theo ông, nói là thi tốt nghiệp THPT nhưng thực chất là thi ĐH, người ta “chạy” nâng điểm để được vào học các trường đại học (ĐH) top đầu. Vì thế, GS Dong đề nghị học cấp nào thi cấp nấy, nghĩa là tách kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH thay vì tổ chức một kỳ thi hai mục đích như hiện nay.
Ngoài ra, có ý kiến giáo viên cho rằng, nếu cách tổ chức thi như hiện nay, thi trắc nghiệm trên giấy có sự can thiệp của bàn tay con người thì nhiều người sẽ lợi dụng lỗ hổng (như Hà Giang) để “biến hóa” điểm thấp thành cao. Và, nếu không có sự giám sát của nhân dân thì không biết đến bao giờ vụ việc này mới được phát hiện ra.
Theo nhận xét của ThS Nguyễn Sóng Hiền – nghiên cứu sinh tại ĐH Newcastle, Australia, việc dùng điểm một kỳ thi làm cơ sở để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH là thiếu khách quan và chính xác. Vì nó đã bỏ qua quá trình nỗ lực của học sinh trong suốt ba năm học cấp ba. “Theo tôi, chúng ta nên xét tốt nghiệp THPT cho các em cần phải dựa trên điểm học bạ ở mỗi môn của các em đã đạt được trong 3 năm phấn đấu” – ông Hiền nêu quan điểm.
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT không đồng tình với việc bỏ kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp. “ Phương thức thi cử nào cũng có vấn đề. Bây giờ, chúng ta cần phải tìm ra nguyên nhân nào dẫn đến tiêu cực để chống và xử lý. Khi tổ chức thi có thanh tra giám sát còn xảy ra tiêu cực, nếu chỉ xét tốt nghiệp sẽ tiêu cực nhiều hơn. Nhất là khi đời sống của giáo viên ở nhiều nơi chưa đủ sống sẽ có người vì con gà, nải chuối để nâng điểm cho học sinh”- PGS Nhĩ nêu quan điểm và cho rằng, tiêu cực thi cử ở Hà Giang là do quản lý nhân viên không chặt chẽ.
Với vi phạm nâng điểm ở Hà Giang, ông Nhĩ đề nghị không chỉ ông Vũ Trọng Lương bị xử lý mà cả Hội đồng thi ở đó gồm những người liên quan phải chịu trách nhiệm. Thậm chí, bị hạ bậc lượng, đưa ra khỏi ngành. Trong việc xử lý này không có vùng cấm để làm gương cho người khác nếu có ý định thì phải chùn tay mà dừng lại.