Nếu chưa gây hậu quả thì nên xử lý hành chính

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng Cục đường bộ Việt Nam đã có văn bản gửi Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) đề nghị xử lý hình sự hành vi chở hàng quá tải trọng trên 150% và điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở.

Nếu chưa gây hậu quả thì nên xử lý hành chính - Ảnh 1Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với TS Ngô Dương - Viện Nhà nước và Pháp luật về tính hợp pháp và hợp lý của kiến nghị này. 

Ông đánh giá thế nào về việc Tổng Cục đường bộ đề nghị bổ sung hành vi điều khiển xe có nồng độ cồn vượt quá mức quy định vào BLHS về tính hợp pháp và khả năng thực thi, tính hiệu quả của kiến nghị này?

- Về hình thức, kiến nghị của Tổng Cục đường bộ là hoàn toàn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Có lẽ không nên bàn về tính hợp pháp của một kiến nghị đúng thẩm quyền vì nó chỉ là kiến nghị chứ không phải quy định có hiệu lực. Về nội dung, tại Điều 202, BLHS có quy định về "Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ", thì người bị coi là phạm tội nếu vi phạm về ATGT đường bộ và "gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác". Cũng bị coi là phạm tội này, kể cả là chưa gây hậu quả, nếu "có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời".

Nếu Tổng Cục đường bộ lập luận việc điều khiển phương tiện trong trạng thái sử dụng rượu trên mức cho phép là có khả năng gây hậu quả nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời thì cũng khá hợp lý. Tuy nhiên, như vậy thì chưa bảm đảm công bằng, vì khả năng gây hậu quả nghiêm trọng là khác nhau nhưng cùng mức độ cồn trong máu, họ có thể bị phạt như nhau.

Phải nói rằng đây là một kiến nghị rất "mạnh tay". Tuy nhiên, xét về lý thuyết, kiến nghị về xử lý đối với lạm dụng rượu khi điều khiển phương tiện giao thông mà bỏ qua những chất kích thích mạnh khác dẫn đến mất kiểm soát hành vi thì là một thiếu sót. Thực tế có nhiều chất gây ảo giác, mất kiểm soát như ma túy, hoặc chất gây buồn ngủ được chống chỉ định với lái xe còn đe dọa an toàn giao thông cao hơn cả say rượu.

Luật Xử lý vi phạm hành chính đã xử phạt hành vi điều khiển phương tiện trong tình trạng sử dụng rượu quá mức cho phép, nay nếu quy định hành vi này phải bị xử lý về hình sự có bị coi là chồng chéo?

- Nếu tồn tại đồng thời cả hai quy định cùng cấp hiệu lực nhằm xử lý một hành vi thì chắc chắn là chồng chéo nhưng nếu nó được quy định ở hai văn bản có cấp hiệu lực khác nhau thì văn bản có cấp hiệu lực thấp hơn sẽ bị coi là trái pháp luật và phải bị hủy bỏ.
CSGT Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn của lái xe trên đường Láng Hạ.	 Ảnh: Phạm Hùng
CSGT Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn của lái xe trên đường Láng Hạ. Ảnh: Phạm Hùng
Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ đặt ra các nguyên tắc, thủ tục chung để xử lý các vi phạm hành chính còn hành vi đó là gì thì thuộc thẩm quyền quy định của Chính phủ. Do đó, nếu kiến nghị kia được chấp thuận thì quy định tương ứng của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt phải bị bãi bỏ.

Theo ông, hành vi này nên được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính hay BLHS?

- Trong nhiều diễn đàn và trên truyền thông, tôi cũng đã có nói đến việc xử lý phạt tù đối với việc lạm dụng rượu và chất kích thích của người điều khiển phương tiện giao thông như là một gợi ý về việc tăng nặng chế tài đối với vi phạm loại này. Cá nhân tôi cho rằng không nên quy định trong BLHS như kiến nghị của Tổng Cục đường bộ, cứ để nguyên trong Luật Xử lý vi phạm hành chính là ổn. Vì nếu chưa gây hậu quả thì xử lý hành chính, nếu đã gây hậu quả thì bị xử lý hình sự như pháp luật hiện hành là hoàn toàn logic. Trường hợp cần xét đến có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng như khoản 4 Điều 202 thì cần đánh giá tại hiện trường. Một người say lái xe giữa đồng lúa hoàn toàn khác với khi anh ta lái xe trên đường cao tốc, hoặc nơi đông người.

Hiện nay, có một số lập luận cho rằng, tại các nước khác, hành vi này có bị phạt tù. Vậy, có phù hợp để có thể áp dụng ở Việt Nam không?

- Theo khảo sát của tôi, có khá nhiều nước quy định việc tạm giữ hoặc phạt tù đối với vi phạm về lạm dụng rượu khi lái xe mà chưa gây hậu quả, có thể kể ra đây như Na Uy, Thụy điển, Phần Lan, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp, một số bang của Úc, New Zealand, Canada… Tuy vậy, không phải mọi nước đều quy định như thế, ví dụ như ở Đức, người ta phạt cả người đi xe đạp có nồng độ trên 0.16% cồn trong máu không khác gì với người lái ô tô nhưng hình phạt tù lại không được áp dụng, thay vào đó lao động công ích được áp dụng rất phổ biến.

Quan điểm cá nhân của tôi là không phải những gì nước ngoài có quy định thì nước ta cũng phải có cho bằng được. Điều kiện kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa khác nhau thì cách thức can thiệp vào một hành vi xấu không nhất thiết phải giống nhau. Giả sử có học tập nước ngoài và muốn đạt hiệu quả như ở nước ngoài thì phải xét đến liệu nhân lực, phương tiện, các điều kiện vật chất khác có liên quan, cơ chế giám sát thực thi của chúng ta có tương đương như họ hay không trước đã.

Nói chung, những trường hợp chưa gây hậu quả thì được coi là vi phạm không nghiêm trọng. Hành vi trở nên nghiêm trọng hơn, nếu đó là tái phạm hoặc gây hậu quả thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác. Khi đó, ta có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự người vi phạm và hình phạt tù có thể được áp dụng.

Theo quy định, phương tiện vi phạm chỉ được tịch thu khi là hành vi vi phạm hình sự. Vậy, nếu quy định này được thông qua, đây có được coi là cơ sở để tịch thu phương tiện nếu người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn quá mức cho phép không, thưa ông?

- Không phải như vậy, tịch thu phương tiện vi phạm cũng có thể vừa là một hình thức xử phạt chính vừa là hình thức xử phạt bổ sung theo Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. Theo tôi, quy định này cũng không ổn, nên xem xét lại, tịch thu phương tiện chỉ nên là hình phạt bổ sung vì nó không thể đứng một mình được, nếu từ góc nhìn mục đích của chế tài.

Kiến nghị tịch thu phương tiện đối với lái xe lạm dụng rượu không sai lý luận cũng như luật thực định. Tuy nhiên, điều chỉnh pháp luật còn phải cân nhắc dưới các góc độ chi phí - lợi ích, sinh kế của người dân, năng lực của cơ quan thực thi. Cũng xin nhắc lại, mục đích của chế tài không phải để bỏ tù bao nhiêu người hay tịch thu bao nhiêu xe mà là làm cho vi phạm giảm xuống, pháp luật, trật tự xã hội được tôn trọng hơn và trở nên an toàn hơn.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần