Nga bất biến giữa Trung Đông vạn biến

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tới Damascus hôm nay (8/1) cho chuyến thăm thứ 2 tới thủ đô Syria kể từ cuộc nội chiến gần 9 năm trước, đặc biệt là giữa bối cảnh căng thẳng gia tăng tại Trung Đông sau sự kiện Qassem Soleimani.

Tổng thống Nga Putin và nhà đồng cấp Syria Bashar al-Assad.
Thời điểm này, Mỹ và các đồng minh đang cảnh giác trước hoạt động trả đũa của Tehran sau cái chết của chỉ huy hàng đầu Iran Qassem Soleimani. Thị trường toàn cầu biến động vì những sự không chắc chắn từ hiện diện quân sự liên tục của quân đội Mỹ tại Iraq.
Tuy nhiên, ông Putin vẫn đẩy mạnh chương trình nghị sự của riêng mình trong khu vực, thậm chí đi từ sân bay Damascus đến một bộ chỉ huy các lực lượng Nga - nơi ông gặp Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Giới quan sát nhận định, đây là một tín hiệu rõ ràng với các đồng minh và đối thủ, rằng khi sự ổn định suy giảm và rủi ro tăng lên, Nga nhấn mạnh sự hiện diện mình ở Trung Đông là không thay đổi.
"Điều này khác với Mỹ", theo ông Mitch Kortunov - Giám đốc Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga. Khác với sự khó lường của Tổng thống Mỹ Donald Trump, "tính nhất quán của Nga trở thành lợi thế".
Sự can thiệp quân sự năm 2015 của Nga vào cuộc xung đột Syria không chỉ là chìa khóa để cứu chế độ Assad, mà còn báo trước sự xuất hiện của một nhà "môi giới quyền lực" mới ở một khu vực vốn đã đầy biến động và đông đúc.
Chuyến thăm lần này của ông chủ Điện Kremlin được dự báo sẽ bao gồm trước cuộc họp hôm nay với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayipp Erdogan. Vốn là một thành viên NATO, Ankara đang dần xa khỏi các đồng minh châu Âu và Mỹ trước sự ủng hộ của chính quyền ông Putin.
Với các xung đột Mỹ - Iran thu hút sự chú ý toàn cầu, nhiều diễn biến liên quan được nhận định, chẳng hạn như việc chiếm giữ TP ven biển Sirte của chỉ huy quân đội Libya Khalifa Haftar - được sự hỗ trợ của Moscow. Điều này còn có thể quyết định số phận của một quốc gia đang mắc kẹt trong một cuộc nội chiến kể từ khi phương Tây lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi năm 2011.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis tại Washington hôm 7/1, Tổng thống Trump khẳng định các quốc gia khác "cực kỳ hạnh phúc" với cuộc tấn công của Mỹ. Tuy nhiên, Nga hẳn không nằm trong số những quốc gia đó, khi Bộ quốc phòng nước này gọi "vụ ám sát Soleimani" là quyết định thiển cận của Mỹ, sẽ dẫn đến một cuộc leo thang căng thẳng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần