Nga chỉ đề xuất gia hạn thỏa thuận khí đốt với Ukraine thêm 1 năm

Nguyễn Phương (Theo Tass)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lãnh đạo Bộ Năng lượng Nga cho biết, Moscow muốn bán khí đốt trực tiếp cho Ukraine hơn chỉ thực hiện trung chuyển qua nước này.

Ngày 26/7, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak thông báo rằng Moscow đã đề xuất gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt với Ukraine thêm một năm nữa.
"Nga đã đề xuất Kiev gia hạn hợp đồng vận chuyển khí đốt hiện tại, sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2019, thêm một năm nữa", Bộ trưởng Novak khẳng định với báo giới bên lề cuộc họp của Ủy ban Liên Chính phủ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ hôm 26/7.
 Nga chỉ đề xuất gia hạn thỏa thuận khí đốt với Ukraine thêm 1 năm.
Theo Bộ trưởng Novak, các cuộc đàm phán 3 bên về khí đốt giữa Nga, Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine sẽ diễn ra từ giữa tháng 9 tới, sau khi Ukraine tiến hành bầu cử Quốc hội. "Chúng tôi đang chờ đợi các cuộc tham vấn ba bên sau khi một chính phủ mới được thành lập ở Ukraine Nói chung, chúng tôi ủng hộ Ukraine mua khí đốt trực tiếp của Nga”.
Trước đó, hôm 26/7, Reuters trích dẫn nguồn tin từ Nga cho biết Moscow muốn ký một thỏa thuận ngắn hạn với Kiev về việc vận chuyển khí đốt tới châu Âu sau khi thỏa thuận 10 năm hiện tại hết hạn vào cuối năm nay.
Theo Reuters, Ukraine đang nỗ lực đạt một thỏa thuận dài hạn 10 năm, điều vốn không có lợi cho Nga. Moscow chỉ muốn gia hạn hợp đồng khí đốt  thêm 1 năm để có thể tăng công suất và chuẩn bị đưa vào hoạt động đường ống dẫn khí Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2) và Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (TurkStream).
Trước đó, Giám đốc điều hành của Gazprom Alexei Miller tuyên bố rằng, theo luật pháp EU, Ukraine sẽ không thể ký hợp đồng vận chuyển khí đốt cho đến cuối năm nay và khẳng định Gazprom đã sẵn sàng gia hạn thỏa thuận khí đốt hiện tại.
Hiện phần lớn khí đốt của Nga tới châu Âu đều được trung chuyển qua Ukraine. Thỏa thuận khí đốt hiện tại giữa Moscow và Kiev sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay, tuy nhiên, quan điểm khác biệt khiến hai bên vẫn chưa đưa ra quyết định gia hạn.
Ukraine muốn đảm bảo duy trì vai trò là tuyến trung chuyển khí đốt chính của Nga, trong khi Moskva tìm cách tăng cường khả năng vận chuyển khí đốt tới châu Âu thông qua các dự án Dòng chảy phương Bắc 2 và Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ.
Bên cạnh đó, việc Nga và Ukraine bất đồng trong vấn đề sáp nhập bán đảo Crimea, cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, đặc biệt gần đây nhất là việc Kiev bắt giữ tàu chở dầu Neyma của Nga cũng được xem là yếu tố khiến hai bên khó có thể sớm đạt thỏa thuận gia hạn hợp đồng./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần