Nga dùng tên lửa đáp trả cuộc tập trận "khủng" của NATO?

Hương Thảo (AFP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phương Tây đang náo loạn trước thông tin về cuộc thử nghiệm tên lửa của Nga, diễn ra "đúng lúc - đúng chỗ" mà NATO đang tập trận quân sự.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg mới đây đã tiết lộ với báo giới rằng Nga đang có kế hoạch thử nghiệm tên lửa ngoài khơi Na Uy trong tuần này tại chính khu vực mà NATO đang thực hiện các bài tập quân sự lớn nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc - Trident Juncture 2018.
Một chiếc máy bay quân sự đa năng Osprey V-22 của Mỹ trong một bài tập thuộc Trident Juncture 2018 tại Na Uy hôm 30/10. Ảnh: AFP 
Trident Juncture 2018 huy động khoảng 50.000 binh sĩ, 65 tàu và 250 máy bay từ 31 quốc gia cách biên giới của Na Uy với Nga ở Bắc Cực chỉ vài trăm kilomet đã khiến Moscow giận dữ và thề sẽ trả đũa.
"Mặc dù các đại diện và các nước thành viên của NATO đã cố gắng thể hiện hoạt động quân sự này là phòng thủ nhưng rõ ràng nó mang bản chất chống Nga", Bộ Ngoại giao Nga cho biết. Hồi tuần trước, Quân đội Nga cũng thông báo rằng họ đã triển khai 4 tàu ở phía Bắc Đại Tây Dương để chuẩn bị cho các bài tập của riêng mình.
Để làm dịu tình hình, ông Stoltenberg hôm 30/10 cho biết Moscow đã thông báo cho phía NATO một cách bình thường về hoạt động trong vùng biển quốc tế, tuy nhiên cũng khẳng định các cuộc thử nghiệm tên lửa sẽ không tạo ra thay đổi gì trong kế hoạch tập trận của liên minh.
Các chuyên gia trong quan hệ quốc tế thì đưa ra những nhận định có phần bi quan hơn. "Rõ ràng là một cuộc Chiến tranh lạnh mới đã manh nha ở phía Bắc sau cuộc khủng hoảng năm 2014 ở Ukraine", AFP dẫn lời chuyên gia Nga tại Viện Quốc tế Na Uy Julie Wilhelmsen.
"4 năm sau, chúng ta có thể nhận thấy rằng tương tác giữa các quốc gia trong khu vực này đang bị cuốn vào một sự leo thang căng thẳng giữa Nga và NATO", bà Wilhelmsen nói.
Thực tế, Nga tức giận bởi các bài tập của NATO nhưng bản thân cũng có những động thái "lên gân" tương tự thế. Hồi tháng 9, Moscow đã tiến hành cuộc tập trận quân sự lớn nhất từ ​​trước tới nay, Vostok-2018, với khoảng 300.000 binh lính ở miền đông Siberia và vùng viễn đông của Nga.
Đánh giá về phản ứng của Nga trước kịch bản Trident Juncture của NATO, cố vấn cho Quỹ nghiên cứu chiến lược Pháp Francois Heisbourg cho rằng: "Điện Kremlin đang làm hết sức mình để chứng minh cho Bắc Âu thấy, mối đe dọa từ Nga không phải là sự huyễn hoặc của phương Tây".
Theo Tổng thư ký Jens Stoltenberg, một cuộc đàm phán giữa Hội đồng Nga-NATO sẽ diễn ra tại Brussels vào hôm nay (31/10).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần