Nga được lợi từ thế bế tắc của Ukraine sau vụ điện đàm Trump-Zelensky?

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới quan sát cho rằng các thiệt hại về ngoại giao đang dần hiện hữu với Ukraine, trong khi Nga có khả năng "đắc lợi".

Đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, việc Nhà Trắng công bố bản gỡ băng tóm tắt cuộc gọi của ông với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky châm ngòi cho cuộc khủng hoảng chính trị trong nước.

Thế khó của Tổng thống Ukraine

Còn đối với ông Zelenskiy, đó là một thảm họa ngoại giao khó lường.

Theo bản gỡ băng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề nghị ông Zelensky điều tra đối thủ chính trị của mình là cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden để đổi lại sự hỗ trợ quân sự.

Về phần mình, tóm tắt cuộc gọi cho thấy ông Zelensky hứa sẽ mở lại một cuộc điều tra công ty thuê con trai của cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và bày tỏ sự thất vọng về việc Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã “thiếu nỗ lực” khi tiến hành trừng phạt Nga.

 Tổng thống Ukraine Zelensky

Những bình luận của ông Zelensky về Đảng Cộng hòa được cho là sẽ gây khó chịu cho đảng Dân chủ, với nguy cơ gây tổn hại cho sự ủng hộ của lưỡng đảng mà Kiev đang mong muốn, trong khi đó bình luận của ông cũng đụng chạm tới Pháp và Đức.

Bản tóm tắt cũng cho thấy ông Zelensky đồng ý với ông Trump rằng cựu Đại sứ Mỹ ở Ukraine - Marie Yovanovitch là “một đại sứ tồi”.

Bế tắc trong cuộc đối đầu địa chính trị với nước láng giềng Nga sau khi Moscow sáp nhập Crimea và ủng hộ phe ly khai thân Nga chiến đấu ở miền đông Ukraine năm 2014, Ukraine hơn bao giờ hết cần sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế.

Cụ thể, Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào Washington về viện trợ và trợ giúp ngoại giao, cũng như các nước châu Âu như Pháp và Đức đang nỗ lực đưa ra các cuộc đàm phán nhằm hồi sinh tiến trình hòa bình bị đình trệ ở miền đông Ukraine.

Thời điểm xảy ra vụ bê bối này gây khó xử đối khi Tổng thống Zelensky đang nóng lòng khôi phục thỏa thuận hòa bình bị đình trệ ở miền đông Ukraine - thỏa thuận vốn rất cần hỗ trợ ngoại giao của châu Âu và Mỹ.

Trong diễn biến mới nhất, ông Zelensky đã hội đàm với Trump ở New York hôm 25/9 bên lề Đại hội đồng Liên Hợp quốc, đồng thời từ chối công bố chi tiết cuộc gọi ngày 25/7 với ông Trump, trong đó Tổng thống Mỹ yêu cầu ông điều tra con trai của ông Biden, ứng cử viên hàng đầu trong cuộc đua chọn ứng viên từ Đảng Dân chủ cho cuộc bầu cử tháng 11/2020.

Ai được lợi?

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng các thiệt hại về ngoại giao đang dần hiện hữu với Ukraine.

Thứ nhất, nền tảng của mối quan hệ giữa Ukraine với các nhà lãnh đạo châu Âu và đặc biệt là bà Angela Merkel sẽ trở nên tồi tệ hơn, chuyên gia Volodymyr Fesenko của viện nghiên cứu Penta có trụ sở tại Ukraine cho biết.

“Không có lời chỉ trích trực tiếp (trong bản tóm tắt cuộc gọi) nhưng bối cảnh và âm điệu của Zelensky nghe có vẻ như ông ấy đang phàn nàn về Merkel với Trump”, ông Volodymyr nói.

Thứ hai, giới phân tích Ukraine lo ngại vụ bê bối Biden-Trump có thể khiến Nga “đắc lợi” trước khả năng Mỹ đình trệ cấp viện trợ quân sự cho Ukraine trong tương lai.

“Mối nguy với Ukraine là bị cô lập trước đối thủ Nga ... vì Mỹ là đối tác chiến lược của Kiev về quân sự và thúc đẩy cải cách”,  ông Maria Ionova - nhà lập pháp dưới thời cựu tổng thống Petro Poroshenko nhận định.

“Vấn đề là Trump yêu cầu Zelensky đào bới lại bê bối của Biden, và Zelensky có vẻ đồng ý. Sau mọi thứ Biden đã làm cho câu chuyện cải cách ở Ukraine thì giờ Zelensky đâm sau lưng ông ấy…”, theo Timothy Ash, nhà chiến lược cấp cao các thị trường mới nổi ở hãng Bluebay Asset Management.

“Moscow chắc chắn sẽ sử dụng cơ hội này”, theo Ash.

 “Người chiến thắng - Putin!”