Nga hoàn thành 60% tuyến đường ống dưới biển của Dòng chảy Phương Bắc 2

Nguyễn Phương (Theo RT)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà thầu chính của Dòng chảy Phương Bắc 2 cho biết, toàn bộ hệ thống đường ống kết nối các phần trên bờ và ngoài khơi tại vùng lãnh thổ của Đức đã được hoàn thành từ năm ngoái.

Theo báo cáo mới nhất của nhà thầu, khoảng 60% hệ thống tuyến đường ống khí đốt chạy dưới biển của dự án Dòng chảy Phương Bắc 2  hiện đã được hoàn thành.
Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga đang được xây dựng theo đúng lịch trình.
“60% hệ thống đường ống chạy dưới biển của Dòng chảy Phương Bắc 2 đã sẵn sàng đưa vào hoạt động” - ông Oleg Aksyutin - Phó Giám đốc điều hành Công ty đầu tư Dòng chảy Phương Bắc 2 cho biết, khi trả lời phỏng vấn kênh Rossiya 24 TV hôm 15/7.
Theo ông Aksyutin, toàn bộ hệ thống đường ống kết nối ngoài khơi đến khu vực đất liền trên vũng lãnh thổ của Đức đã được hoàn thành vào năm ngoái. Nhà thầu chính đang xây dựng trạm tiếp nhận khí đốt từ Nga sang Đức.
Ông Aksyutin nói thêm, hiện công việc tương tự trên cũng đang được thực hiện trên lãnh thổ Nga. “Đầu tháng này, các đơn vị thi công đã bắt đầu kéo phần đường ống nối từ đất liền ra biển. Công việc đang được xúc tiến", ông cho hay.
Phó giám đốc Aksyutin cũng nhấn mạnh, dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 đang được xây dựng theo đúng lịch trình.
Dòng chảy Phương Bắc 2 là dự án liên doanh giữa Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga với 5 công ty của châu Âu, gồm Wintershall, Uniper, OMV, Engie và Royal Dutch Shell.
Dòng chảy Phương Bắc 2, bao gồm 2 tuyến đường ống, hàng năm sẽ chuyên chở 55 tỷ m3 khí đốt tự nhiên từ Nga tới các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông qua Biển Baltic đến Đức, không đi qua lãnh thổ Ukraine.
Dòng chảy Phương Bắc 2, với tổng vốn đầu tư 9,5 tỷ euro (tương đương 11 tỷ USD) và dự kiến bắt đầu hoạt đồng vào cuối năm nay, sẽ đi qua các vùng lãnh thổ và đặc quyền kinh tế của các quốc gia nằm ngoài khơi bờ biển Baltic - Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.
Nhiều quốc gia phản đối dự án này, trong đó có Ukraine do sợ mất nguồn thu từ việc trung chuyển khí đốt của Nga, cũng như nếu giảm khối lượng khí trung chuyển qua hệ thống vận chuyển khí đốt Ukraine (GTS) có thể dẫn đến hậu quả một số lượng lớn người tiêu dùng Ukraine không có khí đốt, và Mỹ với kế hoạch xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu đầy tham vọng.