Nga hối thúc Mỹ từ bỏ kế hoạch triển khai các tên lửa tầm ngắn và tầm trung

Nguyễn Phương (Theo Tass)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 5/8 cho biết, Moscow đang kêu gọi Washington không thử nghiệm các tên lửa tầm trung và tầm ngắn.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 5/8, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nêu rõ: "Chúng tôi kêu gọi Washington thể hiện trách nhiệm và theo gương của Nga, từ bỏ việc triển khai các hệ thống tên lửa tầm trung và ngắn mà người Mỹ đã xây dựng và được Lầu Năm Góc vừa thông báo gần đây”.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov.
Trước đó, hôm 2/8 Mỹ đã chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga được ký từ thời Chiến tranh Lạnh với lý do Nga vi phạm hiệp ước này.
Thứ trưởng Ryabkov nhấn mạnh, Nga và Mỹ cần tiếp tục đối thoại để tăng cường việc kiểm soát vũ khí hạt nhân và ổn định an ninh chiến lược toàn cầu.
"Chúng tôi vẫn sẵn sàng đối thoại bình đẳng và xây dựng cùng Mỹ đối với các vấn đề liên quan đến hiệp ước INF cũng như các vấn đề ổn định chiến lược khác, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và quan tâm đến lợi ích lẫn nhau", ông Ryabkov lưu ý, đồng thời khẳng định thêm: "Cần phải tiếp tục tham vấn giữa các cơ quan về kiểm soát vũ khí với trọng tâm là vấn đề vũ khí hạt nhân, hiện đã được nối lại tại cuộc họp ở Geneva hôm 17/7".
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga cũng cam kết, Moscow sẵn sàng thảo luận với Mỹ về một thỏa thuận rộng hơn về vũ khí hạt nhân với điều kiện phải thực chất.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm 4/8 cho biết Mỹ sẽ tham vấn các đồng minh và đối tác để quyết định địa điểm triển khai các tên lửa tầm trung ở châu Á và những nơi khác nhằm duy trì sự răn đe sau khi Washington rút khỏi hiệp ước INF với Nga.
Phát biểu họp báo ở Sydney, Australia hôm 4/8, Bộ trưởng Esper nhấn mạnh: "Việc chúng tôi rút khỏi INF hôm 2/8 là do Nga không tuân thủ... Bây giờ chúng tôi được phép mở rộng tầm phóng của các vũ khí - từ 500km đến 5.500km - điều chúng tôi chưa có trong khả năng răn đe trên mặt đất. Vì vậy, tôi nghĩ mức độ cho phép chúng tôi thiết kế và phát triển, thử nghiệm và cuối cùng là triển khai các hệ thống, dù ở châu Âu, hoặc ở châu Á-Thái Bình Dương hay nơi nào khác, sẽ cho chúng tôi duy trì tư thế răn đe mà chúng tôi muốn sử dụng để ngăn chặn xung đột ở bất kỳ khu vực nào mà ở đó chúng tôi triển khai các vũ khí mới với sự tham vấn các đồng minh và đối tác của mình".
Thông tin trên được đưa ra sau khi Mỹ khẳng định sẽ bắt đầu thử nghiệm các tên lửa mới và triển khai loại vũ khí này trên khắp thế giới, bao gồm cả ở châu Á, sau khi chính thức rút khỏi  INF với Nga.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần