Nga không đơn độc trên hành trình "phi đồng USD hóa"

Hương Thảo (Theo Sputnik)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vị thế thống trị của đồng bạc xanh đang lung lay dữ dội trước "cơn bão bài trừ" từ nhiều khu vực chứ không chỉ riêng mình nước Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VTB Andrey Kostin - ‘cha đẻ’ của sáng kiến phi đồng USD với nền kinh tế Nga. 
Nga đi trước...
Việc loại bỏ dần đồng USD của nền kinh tế Nga đã và đang được tiến hành, tất nhiên Mỹ không thể không để mắt đến quá trình này.
Tờ Wall Street Journal hôm 11/11 đã nhấn mạnh rằng Nga đang "hạ gục vai trò của đồng USD trên sân nhà" và ngày càng gia tăng việc thực hiện các giao dịch thương mại bằng đồng Ruble hay các loại tiền tệ khác, nhằm chuẩn bị cho các biện pháp trừng phạt khó khăn hơn vào cuối tháng này tới từ Mỹ. Các phương tiện truyền thông chỉ ra rằng "ưu đãi thuế đang được Moscow xem xét cho các nhà xuất khẩu không sử dụng đồng USD". Ngoài ra, đầu năm nay Ngân hàng TƯ Nga đã đẩy mạnh dự trữ vàng và loại bỏ phần lớn trái phiếu Mỹ.
Bên cạnh đó, theo thống kê từ Ngân hàng TƯ Nga trong 3 năm qua, tỷ trọng tiền gửi ngoại tệ đã giảm từ 37% trong năm 2016 xuống còn 26% trong tháng 9/2018. Đồng thời, tỷ trọng doanh thu xuất khẩu bằng USD giảm từ hơn 80% trong năm 2013 xuống còn 68% trong quý II năm 2018.
Các biện pháp và xu hướng nói trên cho thấy rõ ràng rằng Moscow đang hiện thực hóa những lời nói của mình về kế hoạch phi đồng USD đối với nền kinh tế của đất nước một cách tương đối thành công. Kế hoạch này bao gồm 4 giai đoạn, được tạo lập bởi Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VTB Andrey Kostin hồi giữa tháng 9 và đã được Bộ Tài chính Nga thông qua.
Sáng kiến lớn của ông Kostin đã dự báo sự chuyển đổi sang các giao dịch xuất nhập khẩu bằng đồng Euro, Nhân dân tệ hoặc đồng Ruble, nhằm chuyển giao cổ phần lớn nhất của Nga từ nước ngoài sang quyền tài phán của quốc gia và tạo ra một kho dự trữ đủ để Nga phát hành trái phiếu châu Âu. Ngoài ra, ông đề xuất cấp giấy phép cho tất cả những người tham gia thị trường chứng khoán để đảm bảo rằng họ làm việc theo các quy tắc tương tự.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov hồi đầu tháng 10 đã ca ngợi sáng kiến ​​này và nhấn mạnh rằng đồng tiền Mỹ đã trở thành một công cụ không đáng tin cậy đối với các giao dịch trong thương mại quốc tế do các chính sách thương mại và trừng phạt đơn phương của Washington.
Nhận định này một lần nữa được nhấn mạnh tại Tuần lễ năng lượng Nga bởi Tổng thống Vladimir Putin, rằng người Mỹ "đang tạo ra một chiến lược hết sức sai lầm khi họ phá hoại niềm tin vào đồng USD trong vai trò là đồng tiền chung và là loại tiền tệ dự trữ duy nhất hiện nay".
...thị trường Âu - Á theo sau
Thực tế đang chứng minh Moscow không phải nơi duy nhất quan tâm đến sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh. Trả lời CNN hôm 11/11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tỏ ra không hài lòng khi các tập đoàn châu Âu quá phụ thuộc vào đồng tiền Mỹ.
"Đối với tôi, đây có thể coi là vấn đề về chủ quyền. Vì vậy, đó là lý do tại sao chúng tôi cần làm việc chặt chẽ với các tổ chức tài chính của mình và với tất cả các đối tác ở cấp độ châu Âu, để xây dựng một năng lực ít phụ thuộc hơn vào đồng USD", ông Macron nói, đồng thời thừa nhận rằng EU đến nay đã không làm cho đồng Euro mạnh lên so với đồng USD.
Bên cạnh đó, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với các ngành công nghiệp dầu mỏ, vận tải và ngân hàng của Iran đã thúc đẩy EU tìm kiếm một cơ chế thay thế cho Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và Tài chính quốc tế (SWIFT) do Mỹ kiểm soát. Ý tưởng này đã được Ngoại trưởng Đức Heiko Maas và người đồng cấp EU Federica Mogherini thảo luận khá tích cực trong thời gian qua.
Hồi cuối tháng 10, một đồng minh khác của Mỹ là Nhật Bản, cũng đã ký một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương trị giá 75 tỷ USD với Ấn Độ, nhằm chuyển sang các đồng tiền quốc nội trong giao thương giữa 2 bên.
Còn Trung Quốc, nơi từ lâu được cho là đã tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD trong thương mại năng lượng và tăng cường vị thế của đồng NDT, hiện cũng đã tích lũy vàng và đưa ra giá dầu thô kỳ hạn vào tháng 3/2018. Theo báo cáo, Nga và Trung Quốc cũng có thể sẽ gia hạn hoán đổi tiền tệ song phương vào cuối năm nay, trong khi ngân hàng lớn nhất của Nga là Sberbank cho biết họ sẵn sàng phát triển các khoản vay bằng đồng NDT đối với các công ty Nga.
Và không thể không kể đến quyết định của Moscow - New Delhi về việc thanh toán thương vụ S-400 trị giá 5 tỷ USD giữa Nga và Ấn Độ bằng đồng Ruble - một phần cũng là do các mối đe dọa trừng phạt từ Mỹ đối với hợp tác quân sự này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần