Nga lên tiếng về việc Mỹ muốn rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở

Nguyễn Phương (Theo Tass)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko nói rằng động thái này sẽ gây phương hại đến an ninh của châu Âu.

Ngày 21/5, Nga lên án kế hoạch của Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, khẳng định rằng việc này sẽ gây phương hại đến an ninh của châu Âu
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko nói rằng, việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của tất cả các thành viên tham gia,  ảnh hưởng đến chính lợi ích các đồng minh của Mỹ.
Hiệp ước Bầu trời mở được ký năm 1992 và bắt đầu có hiệu lực vào năm 2002. 
Theo Thứ trưởng Grushko, động thái của Mỹ sẽ là đòn mạnh không chỉ giáng vào nền tảng an ninh châu Âu mà còn vào những lợi ích an ninh cốt lõi của các đồng minh Mỹ.
"Động thái này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến tình hình ổn định chiến lược và an ninh quân sự ở châu Âu, nó cũng sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của các đồng minh của Mỹ tham gia hiệp ước” - Thứ trưởng Grushko nêu rõ.
Ông Grushko khẳng định, Nga không vi phạm hiệp ước và không có gì ngăn cản việc tiếp tục đàm phán về các vấn đề kỹ thuật mà Mỹ nói Nga vi phạm.
“Kế hoạch rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở của Mỹ với lý do rằng Nga vi phạm các điều khoản là hoàn toàn không có cơ sở” - Phụ trách chương trình Không phổ biến vũ khí và Kiểm soát vũ khí của Bộ Ngoại giao Nga Vladimir Yermakov nói với TASS hôm 21/5.
Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Moscow đang chờ Washington làm rõ về tuyên bố này.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở cùng Nga với lý do "Nga liên tục vi phạm các điều khoản của hiệp ước". Các quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết việc rút khỏi hiệp ước sẽ chính thức được thực hiện sau 6 tháng.
Hiệp ước Bầu trời mở được ký năm 1992 và bắt đầu có hiệu lực vào năm 2002. Thỏa thuận cho phép các quốc gia tham gia (34 quốc gia) công khai thu thập thông tin về các lực lượng vũ trang của nhau cũng như các hoạt động quân sự của các nước thành viên. Đây là hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng thứ ba mà Tổng thống Trump hủy sự tham gia của Mỹ kể từ khi ông nhậm chức tháng 1/2017.
Trước đó, ông đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), ký năm 2015 giữa nhóm P5+1 với Iran và Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Nga năm 1988.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần