Nga, Mỹ lên tiếng về cuộc đụng độ vũ trang Armenia - Azerbaijan

Nguyễn Phương (Theo Tass, Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Donald Trump nói rằng Mỹ sẽ tìm cách chấm dứt bạo lực, trong khi đó Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ quan ngại về leo thang ở vùng Nagorno - Karabakh.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 27/9, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên án cuộc xung đột bạo lực, đồng thời kêu gọi ngừng ngay lập tức các hành động thù địch cũng như các tuyên bố khiêu khích có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng.
 Cuộc xung đột bạo lực tại khu vực Nagorno-Karabakh hôm 27/9 khiến ít nhất 16 quân nhân và một số dân thường thiệt mạng. 
Cùng ngày, Tổng thống Trump cho biết Mỹ sẽ nỗ lực tìm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột bạo lực bùng phát giữa Armenia và Azerbaijan, hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ từng xảy ra chiến tranh vào những năm 1990.
"Chúng tôi đang xem xét tình hình leo thang xung đột vũ trang giữa Armenia và Azerbaijan. Chúng tôi có rất nhiều mối quan hệ tốt tại khu vực này và sẽ nỗ lực chấm dứt tình trạng giao tranh giữa hai bên" - Tổng thống Trump phát biểu trong cuộc họp báo hôm 27/9.
Bộ Ngoại giao Nga, một trung gian hòa giải xung đột giữa Armenia và Azerbaijan, ngày 27/9 kêu gọi cả hai bên lập tức ngừng bắn, kết hợp tổ chức các cuộc đàm phán để ổn định tình hình tại khu vực Nagorno-Karabakh.
Điện Kremlin cho biết cho biết sau cuộc điện đàm với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ quan ngại về leo thang ở Nagorno - Karabakh.
 Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ quan ngại về leo thang ở Nagorno - Karabakh.
"Điều quan trọng là phải nỗ lực hết sức để ngăn căng thẳng leo thang trở thành xung đột toàn diện. Quan trọng hơn, hai bên cần chấm dứt tình trạng thù địch", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan trong cuộc điện đàm hôm nay, theo thông báo từ Điện Kremlin.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) kêu gọi cả hai bên ngừng các hành động quân sự và quay trở lại đàm phán.
Tổng thư ký Hội đồng châu Âu Marija Pejcinovic-Buric cùng ngày kêu gọi các bên liên quan tới xung đột ở Nagorno-Karabakh chấm dứt ngay tình trạng đối địch tái bùng phát. “Tôi đặc biệt quan ngại trước thông tin leo thang quân sự trong xung đột ở Nagorno-Karabakh. Tôi kêu gọi Armenia và Azerbaijan thể hiện trách nhiệm, kiềm chế và dừng ngay các hành động thù địch”, ông Marija Pejcinovic-Buric nói. 
Vụ xung đột bạo lực tại khu vực Nagorno - Karabakh hôm 27/9 khiến ít nhất 16 quân nhân và một số dân thường thiệt mạng là một trong những cuộc giao tranh nghiêm trọng nhất giữa Armenia và Azerbaijan kể từ năm 2016.
Cuộc đụng độ vũ trang mới nhất giữa Armenia và Azerbaijan khiến các quốc gia phương Tây và khu vực lo lắng một phần vì nó có thể gây ra bất ổn ở Nam Caucasus, nơi đóng vai trò là hành lang cho những đường ống vận chuyển dầu mỏ và khí đốt tới các thị trường trên toàn cầu.
Armenia ngày 27/9 ban bố thiết quân luật và tổng động viên sau khi xảy ra đụng độ với Azerbaijan tại vùng Nagorno-Karabakh.
Armenia cho biết Azerbaijan đã thực hiện một cuộc tấn công bằng không quân và pháo binh nhằm vào vùng Nagorno-Karabakh nhưng Azerbaijan khẳng định họ chỉ hành động để đáp trả các cuộc pháo kích từ phía Armenia.
Nagorno-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía tây nam Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống nên muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.
Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó, xung đột vẫn xảy ra tại đây. Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hơn 10 cuộc gặp cấp cao để giải quyết khúc mắc, nhưng chưa tìm ra giải pháp do cả hai đều coi vùng lãnh thổ tranh chấp thuộc chủ quyền của mình và không chấp nhận các phương án hòa giải được đưa ra.