Nga, OPEC sẽ hành động ngay nếu virus corona tiếp tục “nhấn chìm” giá dầu

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga có thể sẽ có giải pháp khẩn cấp để vực dậy giá dầu nếu lo ngại virus corona lây lan tác động tiêu cực đến triển vọng nhu cầu.

Giá “vàng đen” hiện đã lao dốc tới 21,4% kể từ khi thiết lập mức đỉnh hồi đầu tháng 1 sau khi lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran tiến hành tấn công bằng tên lửa nhằm vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq.
Thị trường dầu mỏ được kỳ vọng sẽ khởi sắc trong năm nay khi kinh tế toàn cầu được cải thiện sau khi Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một.
Tuy nhiên, hiện lo ngại về tác động kinh tế tiềm tàng từ sự lan rộng trên phạm vi toàn cầu của dịch bệnh viêm phổi mới do chủng virus corona mới có nguồn gốc từ TP Vũ Hán (Trung Quốc) đang đe dọa đến nền kinh tế số 2 thế giới và toàn cầu.
Trong phiên giao dịch ngày 30/1, giá dầu đã giảm hơn 2% xuống mức thấp nhất trong 3 tháng qua giữa lúc các thương nhân đang đánh giá thiệt hại kinh tế mà dịch virus corona mới gây ra cũng như tác động của nó đối với nhu cầu dầu thô và các sản phẩm khác từ dầu mỏ.
 Giá “dầu thế giới hiện đã lao dốc tới 21,4% kể từ khi thiết lập mức đỉnh hồi đầu tháng 1.
Tại cuộc họp kín của Ủy ban khẩn cấp Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva của Thụy Sĩ hôm 31/1 (theo giờ Việt Nam), Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu vì dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona mới  (2019-nCoV) gây ra. Đây là loại virus gây bệnh viêm phổi khởi phát từ Trung Quốc đã làm 259 người tử vong và hơn 11.000 người nhiễm tính đến sáng ngày ½.
Sự bùng phát của dịch virus Corona được cho là sẽ tác động xấu đến nền kinh tế Trung Quốc, với tổng số ca nhiễm mới cao hơn so với số lượng ca nhiễm bệnh trong đợt bùng phát dịch bệnh Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) hồi năm 2002-2003.
Những lo ngại về những tác động kinh tế do chủng virus nCoV gây ra đã khiến thị trường toàn cầu biến động mạnh. Giá dầu ngọt nhẹ WTI đã giảm từ mức trên 65,65 USD/thùng thời điểm đầu tháng 1 xuống còn khoảng 51,59 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 31/1.
Thị trường cũng theo dõi khả năng OPEC tiến hành họp sớm. Ả Rập Saudi – nhà lãnh đạo thực tế của OPEC, đã mở cuộc thảo luận về việc tổ chức sớm cuộc họp chính sách sắp tới của tổ chức này cùng các đồng minh vào đầu tháng 2, thay vì trong tháng 3, sau khi giá dầu liên tục sụt giảm trong thời gian gần đây.
OPEC muốn tiếp tục cắt giảm sản lượng tới ít nhất là đến tháng 6/2020, nếu nhu cầu tại Trung Quốc bị tác động do sự lây nhiễm của chủng virus nCoV.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak hôm 31/1 cho biết nhóm OPEC+ (bao gồm các thành viên OPEC và các quốc gia sản xuất dầu mỏ khác như Nga) có thể phản ứng nếu xảy ra những hậu quả nghiêm trọng đối với thị trường dầu mỏ thế giới do tình trạng bùng phát 2019-nCoV.
Theo Bộ trưởng Novak, các quốc gia sản xuất dầu mỏ đã thảo luận về việc tổ chức sớm hội nghị OPEC+, theo kế hoạch là vào tháng 3. Tuy nhiên, OPEC+ cần một thêm một vài ngày để đánh giá tác động trước khi đưa ra quyết định về thời gian tổ chức hội nghị.
“Chúng tôi có thể gặp nhau sớm hơn, đây không phải là vấn đề gì cả... Về mặt nguyên tắc, chúng tôi sẵn sàng phản ứng trước những sự việc như vậy. Chúng tôi cần đánh giá tình hình và tiếp tục giám sát thêm một vài ngày nữa” – Bộ trưởng Novak cho hay.
Hiện vẫn còn quá sớm để kết luận liệu Nga có sẵn sàng cắt giảm thêm sản lượng.
John Kilduff, đối tác của Again Capital, nhận định: “Nếu nhóm OPEC+ thay đổi thời gian tổ chức cuộc họp về chính sách sản lượng ngay trong tháng này, nhiều khả năng họ sẽ cắt giảm sản lượng sâu hơn”.
Theo các nhà phân tích, dịch viêm phổi cấp do virus corona có thể làm giảm nhu cầu dầu mỏ thế giới tới hơn 250.000 thùng/ngày trong quý I/2020 và đẩy giá dầu giảm sâu do cung vượt cầu.
Hiện nhóm OPEC+ đã tham gia vào một thỏa thuận cắt giảm nguồn cung dầu để hỗ trợ giá “vàng đen”. Hồi tháng 12/2019, nhóm này đã đồng ý duy trì kế hoạch cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày cho đến cuối tháng 3 năm nay./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần