Nga sẵn sàng tăng sản lượng bất chấp giá dầu trượt mạnh nhất 4 năm

Nguyễn Phương (Theo Tass)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tass đưa tin các nhà sản xuất dầu của Nga đang có kế hoạch tăng sản lượng mặc dù giá dầu có thể rớt xuống còn 32 USD/thùng và thậm chí giảm thấp hơn.

Nga sẵn sàng tăng sản lượng bất chấp giá dầu giám mạnh.
“Các nhà sản xuất dầu mỏ của Nga đã chuẩn bị sẵn kế hoạch cạnh tranh trên thị trường với các nhà sản xuất thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong bối cảnh giá dầu được dự báo giảm xuống còn 32 USD/thùng và thấp hơn” - chuyên gia cấp cao về năng lượng của Nga tiết lộ với hãng tin Tass.
Chuyên gia này nói thêm rằng Chính phủ Nga sẽ xem xét kỹ lưỡng những diễn biến liên quan đến thị trường năng lượng thế giới.
"Chắc chắn sẽ phải tính toán, đây là vấn đề bình thường khi cân nhắc tất cả các kịch bản có thể diễn ra trên thị trường dầu mỏ", chuyên gia trả lời câu hỏi rằng liệu Nga đã tính toán khả năng giá dầu giảm xuống còn 32 USD/thùng hay không.
“Diễn biến của giá dầu hiện tại sẽ phải được các nhà sản xuất dầu Nga đánh giá một một cách chính xác nhất" - nguồn tin nói thêm.
Nguồn tin này cũng cho biết, các công ty dầu mỏ Nga có thể sẽ bắt đầu tăng sản lượng sớm hơn trước khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC và đồng minh hết hiệu lực vào cuối tháng này.
Trong khi đó, một quan chức hàng đầu khác của ngành năng lượng Nga đã xác nhận với hãng tin TASS rằng kết quả đàm phán với OPEC tại Vienna trong tuần qua đang được đánh giá.
Trong phiên giao dịch ngày 9/3, giá dầu Bent biển Bắc giảm 12,23 USD, tương đương 27%, và rớt xuống còn 33,04 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giảm 11,88 USD, tương đương 29%, xuống còn 29,4 USD/thùng. Thậm chí trước đó có thời điểm rớt xuống còn 27,34 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ ngày 12/2/2016.
Giới phân tích nhận định giá dầu WTI đang có xu hướng tiệm cận với ngưỡng sụt giảm kỷ lục vượt trên 33% ghi nhận hồi tháng 1/1991.
Trên thị trường tiền tệ, tỷ giá đồng USD và đồng euro tăng mạnh so với đồng ruble của Nga sau khi giá dầu giảm sốc sau khi OPEC và đồng minh bất đồng trong việc cắt giảm nguồn cung trong bối cảnh nhu cầu năng lượng bị ảnh hưởng lớn do sự bùng phát của dịch Covid-19.
OPEC đề xuất các nước trong liên minh và các đồng minh cắt giảm sản lượng thêm 1,5 triệu thùng mỗi ngày cho đến cuối năm nay. Tuy nhiên, Nga và Kazakhstan đã phản đối đề xuất này.