Nga sẵn sàng tìm kiếm giải pháp hợp lý giải quyết vấn đề khí đốt Ukraine

Nguyễn Phương (Theo Tass)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người đứng đầu Điện Kremlin tuyên bố Nga sẵn sàng tiếp tục vận chuyển khí đốt qua Ukraine, vấn đề quan trọng là thời hạn và khối lượng.

Tổng thống Nga trả lời tại cuộc họp báo thường niên hôm 19/12.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường niên hôm 19/12, Tổng thống Vladimir Putin nói rằng Nga sẵn sàng tìm một giải pháp phù hợp với tất cả các bên liên quan đền việc trung chuyển khí đốt qua Ukraine, mặc dù phán quyết của Tòa Trọng tài Stockholm trong tranh chấp khí đốt giữa tập đoàn Gazprom và Naftogaz của Ukraine về bản chất là mang tính chính trị.
"Theo quan điểm của tôi, quyết định của Tòa Trọng tài Stockholm có yếu tố chính trị nhiều hơn về mặt pháp lý khi biện minh cho phán quyết của mình liên quan đến tình hình kinh tế nghiêm trọng ở Ukraine. Đây là điều vô lý. Tuy nhiên, quyết định của tòa án đã được đưa ra, chúng ta nên thực hiện theo và làm cơ sở để tìm kiếm một giải pháp phù hợp cho tất cả các bên liên quan, kể cả đối với Ukraine" - Tổng thống Putin cho hay.
Nhà lãnh đạo Nga cũng lưu ý thêm rằng hiện Ukraine vẫn chưa thanh toán cho Moscow khoản nợ 3 tỷ USD nhận từ Quỹ tài sản quốc gia Nga.
Theo Tổng thống Putin, quan hệ khí đốt với Ukraine là một chủ đề đầy thách thức và nhạy cảm. "Chúng tôi muốn giải quyết vấn đề này", ông Putin nói thêm.
Tổng thống Nga cũng bày tỏ hy vọng rằng các thỏa thuận khí đốt với Ukraine sẽ đạt được, đồng thời nhấn mạnh Moscow vẫn sẵn sàng cung cấp khí đốt với giá thấp. "Chúng tôi sẽ sẵn sàng cung cấp khí đốt cho Ukraine với giá giảm, như tôi đã nói, từ 20-25%. Điều này có thể được thực hiện và sau đó có thể giảm [giá] cho người tiêu dùng từ ngày 1/1/2020” - ông Putin lưu ý.
"Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ đạt được thỏa thuận về trung chuyển khí đốt qua Ukraine. Nga và Ukraine đang tiếp tục thảo luận về một hợp đồng quá cảnh khí đốt mới và chúng tôi sẽ tìm cách làm cho phía Ukraine cũng hài lòng với những cam kết trong thỏa thuận này" - Tổng thống Nga nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần