Nga sẵn sàng vận chuyển khí đốt qua Ukraine sau khi vận hành Dòng chảy Phương Bắc 2

Nguyễn Phương (Theo Tass)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Thủ tướng thứ nhất của Nga Sergei Prikhodko vừa tái khẳng định Moscow sẵn sàng duy trì quá cảnh khí đốt thông qua hệ thống phân phối khí của Ukraine sau năm 2019.

"Để đạt được mục tiêu này, cần phải phối hợp quan hệ giữa các công ty liên quan", Phó Thủ tướng Sergei Prikhodko khẳng định.
Ông Prikhodko cũng nhấn mạnh rằng Nga sẵn sàng tiếp tục vận chuyển khí đốt tự nhiên qua lãnh thổ Ukraine sau năm 2019 dựa trên các điều kiện có lợi về kinh tế và quyết định giải quyết tranh chấp tại tòa án giữa Công ty năng lượng Naftogaz của Ukraine và tập đoàn năng lượng Nga Gazprom.
Phó Thủ tướng Nga Prikhodko nhấn mạnh rằng Nga sẵn sàng tiếp tục vận chuyển khí đốt tự nhiên qua lãnh thổ Ukraine sau năm 2019. 
"Đối với việc vận chuyển khí đốt tự nhiên của Nga qua lãnh thổ Ukraine, chúng tôi sẵn sàng duy trì việc này dựa trên các điều kiện có lợi về kinh tế và giải quyết tất cả các tranh chấp giữa Gazprom và Naftogaz tại tòa án", Phó Thủ tướng thứ nhất Prikhodko nói với phóng viên hôm 23/6.
Ông Prikhodko lưu ý thêm rằng các điều khoản của dự án xây dựng tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 hiện đang được xây dựng không quy định chấm dứt vận chuyển khí đốt tự nhiên "dọc theo các tuyến đường qua Ukraine cũng như các quốc gia khác".
"Nga đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng duy trì quá cảnh khí đốt thông qua hệ thống phân phối khí của Ukraine sau năm 2019 dựa trên các điều khoản được chấp nhận lẫn nhau", ông Prikhodko cho hay.
Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 dự kiến ​​sẽ được đưa vào hoạt động vào cuối năm 2019. Tổng chi phí dự án này ước tính lên tới 9,9 tỷ euro.
Dòng chảy Phương Bắc 2 là dự án liên doanh giữa tập đoàn Gazprom với 5 công ty của châu Âu. Khi hoàn thành (muộn nhất vào cuối năm 2019), mỗi năm, hệ thống đường ống dài 1.225 km này sẽ vận chuyển 55 tỷ m3 khí đốt tự nhiên từ Nga tới các nước thành viên Liên minh châu Âu thông qua biển Baltic đến Đức, không đi qua lãnh thổ Ukraine.
Các nước Đức, Thụy Điển, Áo và Pháp đã cấp phép xây dựng dự án này. Tuy nhiên, dự án vấp phải sự phản đối của Ukraine, Latvia, Litva và Ba Lan vì cho rằng dự án mang màu sắc chính trị.
Ngoài một số nước châu Âu, Mỹ cũng là nước phản đối dự án vận chuyển trực tiếp khí đốt từ Nga tới Đức này./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần