Nga sắp ra mắt vaccine Covid-19 thứ hai, Đức siết các biện pháp cứng rắn hơn chặn đợt bùng phát mới

Nguyễn Phương (Theo Sputnik, DW)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nga có thể tung ra vaccine ngừa Covid-19 thứ hai vào tháng 9, trong khi đó Đức siết chặt hơn nữa các biện pháp và quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Theo số liệu cập nhật trên trang Worldometers tính đến 6 giờ sáng 28/8, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới là 24.602.641 trường hợp, trong đó có 834.707 trường hợp tử vong. Số ca mắc bệnh đã phục hồi là 17.071.490 trường hợp. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới 213 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong tình hình dịch hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo cần làm xét nghiệm y tế cho những người tiếp xúc với các trường hợp được chẩn đoán mắc Covid-19, cho dù họ có triệu chứng hay không. Khuyến cáo này được WHO đưa ra sau khi giới chức y tế Mỹ nói rằng việc làm này là không cần thiết.
Thủ tướng Angela Merkel và các nhà lãnh đạo 16 bang ở Đức đã nhất trí thắt chặt hơn nữa các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Đức siết chặt các biện pháp phòng chống Covid-19
Ngày 27/8, tại cuộc họp trực tuyến, Thủ tướng Angela Merkel và các nhà lãnh đạo 16 bang ở Đức đã nhất trí thắt chặt hơn nữa các biện pháp và quy định về phòng chống dịch Covid-19 trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại nước này đang tăng trở lại trong những tuần gần đây.
Thủ tướng Angela Merkel và thủ hiến các bang đã đồng ý cấm các cuộc tụ tập đông người ở nơi công cộng và phạt tiền trên phạm vi toàn quốc đối với những người không đeo khẩu trang và không tổ chức các sự kiện công cộng đến cuối năm nay để ngăn chặn đà lây lan virus SARS-CoV-2.
Phát biểu sau cuộc họp, Thủ tướng Merkel nói rằng nhìn chung chính phủ liên bang và chính quyền các bang ở Đức đã thực hiện nhiều biện pháp hữu hiệu giúp ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của dịch Covid-19.
Tuy nhiên, với số lượng các ca nhiễm mới tăng đáng kể trong những tuần gần đây, chính phủ buộc phải xem xét và đưa ra quyết định siết chặt hơn nữa các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Thủ tướng Merkel cho biết bà và các thủ hiến bang đã nhất trí áp đặt thêm một số quy định mới nghiêm ngặt hơn liên quan đến biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Những biện pháp này bao gồm tiếp tục gia hạn lệnh cấm tổ chức các sự kiện lớn cho đến hết ngày 31/12; đưa ra mức phạt tối thiểu 50 euro (khoảng 6 USD) đối với những người không đeo khẩu trang ở nơi công cộng như trong các cửa hàng, siêu thị hay trên các phương tiện giao thông công cộng.
Thủ tướng Merkel và lãnh đạo các bang ở Đức yêu cầu người dân tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội như đảm bảo quy định vệ sinh, giữ khoảng cách tại nơi công cộng...
Đến nay, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Đức là 240.558 ca, trong đó có 9.359 ca tử vong. Mặc dù kiểm soát dịch Covid-19  tốt hơn nhiều nước láng giềng châu Âu khác, nhưng số ca nhiễm mới tại Đức trong tháng 8 này đã tăng đột biến với tỷ lệ cao chưa từng có kể từ tháng 4 - thời điểm dịch bệnh lên tới đỉnh điểm tại nước này.
Nga sẽ đăng ký vaccine Covid-19 thứ hai vào tháng 9
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossiya 24 hôm 27/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố vaccine Covid-19 thứ hai của nước này đã sẵn sàng vào tháng tới. Theo Putin, loại vaccine này do Viện Vector, một trung tâm có mức độ an toàn sinh học cao ở Novosibirsk, phát triển.
Nga sẽ tung ra vaccine Covid-19 thứ hai vào tháng sau.
Tổng thống Nga nói thêm rằng vaccine mới dự kiến cạnh tranh với Sputnik V, loại vaccine Covid-19 đầu tiên được Nga đăng ký đầu tháng này, và ông hy vọng cả hai đều an toàn, hiệu quả như nhau. Phó thủ tướng Tatyana Golikova trước đó tiết lộ hiện có 27 quốc gia quan tâm đến việc mua vaccine của Nga.
Tổng thống Putin bác bỏ cáo buộc rằng vaccine Sputnik V được cấp phép khi chưa tiến hành đầy đủ các giai đoạn thử nghiệm. Ông Ptun khẳng định vaccine này được đăng ký theo mọi yêu cầu của luật pháp Nga cũng như thông lệ quốc tế.
Sputnik V do Viện Gameleya phát triển, là vaccine đầu tiên trên thế giới được chính phủ phê duyệt và đưa vào sản xuất, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến nhiều quốc gia huy động kinh phí và công sức nghiên cứu chưa từng có để gấp rút ra mắt loại vaccine có thể bảo vệ hàng tỷ người trên thế giới.
Nga, Mỹ và Trung Quốc là những nước dẫn đầu "cuộc chạy đua" sản xuất vaccine Covid-19 đầu tiên. Theo dữ liệu dự thảo do WHO công bố tuần qua, hiện có 29 loại vaccine đang được đánh giá lâm sàng.