Nga - Saudi hoãn cuộc họp chính sách, giá dầu lại “bốc hơi” hơn 3%

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu đi xuống trong phiên ngày 6/4 sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu dầu chủ chốt hoãn cuộc họp về cắt giảm sản lượng dầu sang ngày 9/4.

Trong phiên giao dịch ngày 6/4, giá dầu Brent sụt hơn 3 USD ngay sau khi mở cửa, song thị trường đã thu hẹp đà giảm khi các thương nhân hy vọng rằng một thỏa thuận giữa OPEC và các nhà sản xuất hàng đầu, dẫn đầu là Nga, vẫn "trong tầm tay".
Kết thúc phiên giao dịch này, giá dầu Brent giảm 1,10 USD, tương đương 3,2%, xuống còn 33,01 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ hạ 84 xu Mỹ, tương đương 3%, giao dịch ở mức 27,50 USD/thùng.
Giá dầu giảm hơn 3% trong phiên 6/4.
Do còn bất đồng về chính sách sản lượng, OPEC và các nước sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+, hoãn cuộc họp về cắt giảm sản lượng dầu dự kiến diễn ra vào đầu tuần này sang ngày 9/4.
Động thái này đã làm giảm những hy vọng về sự hành động nhanh chóng của các nhà sản xuất dầu lớn để cân bằng nguồn cung - cầu trên thị trường đang chịu áp lực lớn từ ảnh hưởng của địa dịch Covid-19.
Tuy nhiên, các thương nhân vẫn đặt kỳ vọng rằng OPEC và Nga sẽ đạt được một thỏa thuận về cắt giảm sản lượng để giúp giá dầu phục hồi.
“Nhà đầu tư đang quan tâm đến cuộc thảo luận của các thành viên nhóm OPEC+ vào thứ Năm tuần này, hy vọng liên minh này đạt thỏa thuận cắt giảm nguồn cung đã hạn chế đà lao dốc của giá dầu trong phiên giao dịch” - nhà phân tích Harry Tchilinguirian của BNP Paribas nhận xét.
Giá “vàng đen” đã lao dốc hơn 50% kể từ đầu năm đến nay do tác động của dịch Covid-19 và “cuộc chiến giá dầu” giữa Ả Rập Saudi và Nga.
Trong khi đó, nhiều quốc gia áp đặt lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, các doanh nghiệp ngừng hoạt động đã khiến nhu cầu dầu toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng.
Trong tuần trước, giá dầu đã hồi phục từ mức thấp nhất kể từ năm 2002 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Ả Rập Saudi và Nga sẽ thống nhất về việc cắt giảm sản lượng dầu và dự kiến hai nước này có thể cắt giảm mạnh sản lượng dầu trong nước "lên tới 10 triệu thùng/ngày".
Tuy nhiên, giới phân tích vẫn thận trọng về khả năng Moscow và Riyadh sẽ nhanh chóng đạt được một giải pháp để kết thúc bất đồng về chính sách điều hành sản lượng.
Theo nhà chiến lược gia trưởng Stephen Innes của AxiCorp, các thương nhân vẫn quan ngại về khả năng Nga và Ả Rập Saudi có thể sớm đạt được thỏa thuận giải quyết bất đồng về cắt giảm sản xuất dầu mỏ.
Tuy nhiên, Kirill Dmitriev - Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư quốc gia Nga hôm 6/4 cho biết Moscow và Riyadh đang tiến rất gần đến một thỏa thuận dầu mỏ, điều này có lợi cho thị trường năng lượng thế giới.
Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế trước đó cảnh báo nguồn cung dầu mỏ toàn cầu vẫn có thể sẽ dư thừa khoảng 15 triệu thùng/ngày trong quý II/2020, ngay cả trong trường hợp OPEC+ giảm 10 triệu thùng/ngày.
Về nguồn cung tại Mỹ, công ty năng lượng Baker Hughes cho biết số lượng giàn khoan dầu của nước này đã giảm 62 giàn khoan trong tuần trước, đánh dấu mức sụt giảm hàng tuần lớn nhất trong 5 năm, khi các nhà sản xuất giảm khai thác do nhu cầu nhiên liệu đang chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần