Nga sẽ hóa giải căng thẳng Triều Tiên?

Lan Hương (Theo CBS)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều nhà quan sát cho rằng ông Putin có thể xem cuộc khủng hoảng này, giống như cuộc chiến đang diễn ra ở Syria, như một cách để Nga khẳng định lại vị thế.

Ngày 6/9, phát biểu với truyền thông Nga bên lề Diễn đàn Kinh tế Đông Á, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hy vọng, các hành động chung của Nga và Nhật Bản cũng như toàn thể cộng đồng quốc tế sẽ gây áp lực đủ mạnh để Triều Tiên buộc phải thay đổi các chính sách của mình.
“Với mục đích này, tôi kêu gọi Nga cùng hợp tác để có thể cùng đưa sáng kiến để giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay" - ông Abe nói với kênh truyền hình Nga.
Cũng tại Diễn đàn tổ chức ở Vladivostock, Nga, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết, ông và người đồng cấp phía Nga đã đồng thuận tăng cường cơ sở để triển khai các dự án 3 bên liên quan tới Hàn Quốc, Triều Tiên và Nga.
 Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Nga Putin tại Diễn đàn Kinh tế tại Vladivostok.
Những dự án này là nhằm kết nối bán đảo Triều Tiên với vùng Viễn Đông của Nga, RT dẫn lời ông Moon phát biểu sau cuộc họp với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Động thái của Tokyo và Seoul cho thấy, 2 đồng minh thân thiết của Mỹ đặt ra nghi ngờ về tính khả thi của các chiến lược từ Washington và cần tiếng nói của Nga trong việc giải quyết căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, cuộc thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch của Triều Tiên không chỉ gây ra một cơn “địa chấn” mà còn thay đổi thế chính trị của khu vực, tạo ra cơ hội cho Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Nga Putin hiện đang nổi lên như một tiếng nói hàng đầu trong việc ủng hộ một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.
Ông Alexei Arbatov, một chuyên gia an ninh Nga, đứng đầu Trung tâm An ninh Quốc tế tại Viện Kinh tế và Quan hệ quốc tế ở Moscow nhận định, tiếng nói của Nga cho một giải pháp hòa bình là rất cao.
Nga có chung đường biên giới dài 22 km dọc theo sông Tuman với Triều Tiên, và giống như Trung Quốc, Moscow rất muốn tránh việc dẫn đến chiến tranh hay hỗn loạn kinh tế dọc theo biên giới phía Đông.
Phát biểu tại một hội nghị thượng đỉnh về kinh tế ở Vladivostok hôm 6/9, ông Putin cho rằng, chiến lược hiện tại của Mỹ sẽ thất bại. "Không thể giải quyết được các vấn đề của Triều Tiên bằng cách áp dụng những lệnh trừng phạt đơn phương", nhà lãnh đạo Nga phát biểu.
Ông Arbatov nói rằng giải pháp được đề xuất của ông Putin là Bình Nhưỡng ngừng các cuộc thử hạt nhân của mình trong khi Washington chấm dứt việc gia tăng quân sự trong khu vực. Arbatov cho rằng, quan điểm này trùng hợp Trung Quốc và cho rằng, hầu hết các nước châu Âu sẽ ủng hộ.
Nhiều nhà quan sát cho rằng ông Putin có thể xem cuộc khủng hoảng này, giống như cuộc chiến đang diễn ra ở Syria, như một cách để Nga khẳng định lại vị thế như một cường quốc toàn cầu và chứng tỏ có nhiều lựa chọn khác ngoài chiến lược được Washington đưa ra.
Bên cạnh đó, Nga cũng là quốc gia đang chịu các lệnh trừng phạt kinh tế tồi tệ từ Mỹ và các nước phương Tây sau việc sáp nhập bán đảo Crimea hồi 2014. Vì vậy, Moscow trở thành một ví dụ rõ ràng cho việc, các lệnh trừng phạt đơn phương không hề hữu dụng và là tiếng nói phù hợp với Bình Nhưỡng vào thời điểm hiện tại.
"Đó có thể là một lý do khác để Putin tích cực tham gia vào việc thúc đẩy một giải pháp ngoại giao”, Arbatov nói

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần