Nga sẽ trả đũa lệnh trừng phạt của Mỹ chống Dòng chảy Phương Bắc 2 và Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ

Nguyễn Phương (Theo Tass)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov hôm 23/12 tuyên bố Moscow sẽ trả đũa các lệnh trừng phạt bất hợp pháp của Mỹ đối với Dòng chảy Phương Bắc 2 và Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov. 
"Đây là một vấn đề rất đặc biệt, đòi hỏi phải bình tĩnh và cân nhắc kỹ lưỡng. Theo quan điểm của tôi, các lệnh trừng phạt của Mỹ là những hành động không thể chấp nhận được, vi phạm tất cả các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và các quyết định ngoại giao, vì vậy Nga sẽ buộc phải có phản ứng đáp trả” - Ngoại trưởng Lavrov cho biết.
Trước đó, hôm 21/12, Bộ Tài chính Mỹ thông báo lệnh trừng phạt 2 dự án Dòng chảy phương Bắc 2 và Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ đã có hiệu lực. Washington yêu cầu các công ty đang thực hiện đặt ống chấm dứt ngay công việc.
Cũng trong ngày 21/12, công ty Allseas có trụ sở tại Thụy Sĩ chịu trách nhiệm đặt đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 vừa thông báo sẽ rút những con tàu đặt ống dẫn khí đốt thuộc dự án này khỏi biển Baltic.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga Alexander Novak hôm 23/12 tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với RBC rằng Moscow dự kiến sẽ hoàn thành việc xây dựng đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 trong tương lai gần, bất chấp những trở ngại từ lệnh trừng phạt của Mỹ.
"Chúng tôi hy vọng rằng trong tương lai gần, việc xây dựng tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 sẽ được hoàn thành, bất chấp những khó khăn phát sinh từ việc phản đối dự án này", ông Novak cho hay.
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 dự định đặt 2 tuyến đường ống với tổng công suất 55 tỷ mét khối khí một năm từ bờ biển Nga qua biển Baltic đến Đức. Tham gia thi công dự án là các công ty châu Âu. Gazprom trước đó đã nhiều lần tuyên bố có kế hoạch hoàn tất việc xây dựng tuyến đường này vào năm 2019.
Những nước tích cực phản đối dự án Dòng chảy phương Bắc 2 là Ukraine (do lo ngại mất nguồn thu nhập từ việc trung chuyển khí đốt của Nga), Mỹ (do đang thúc đẩy việc bán khí đốt hóa lỏng sang Liên minh châu Âu (EU)), Ba Lan, Latvia và Litva.
Các quốc gia này gọi Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án mang tính chính trị và đe dọa an ninh năng lượng châu Âu. Phía Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng dự án này hoàn toàn mang tính thương mại, cạnh tranh và không hề có ý chấm dứt việc trung chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine sang EU.