Nga, Trung Quốc tăng cường hợp tác năng lượng và thương mại

Nguyễn Phương (Theo Sputnik)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xung đột thương mại giữa Washington và Bắc Kinh leo thang có thể khiến Nga và Trung Quốc đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ hợp tác kinh tế, theo nhận định từ các học giả Trung Quốc.

Bắc Kinh - Moscow tăng cường hợp tác kinh tế
Một số học giả Trung Quốc cho rằng các lệnh trừng phạt và chính sách thuế quan của Mỹ đang khiến Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn, tạo cơ hội mới cho sự phát triển thương mại song phương trên các lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng. Theo các học giả Trung Quốc, nền kinh tế của Nga và Trung Quốc có thể bổ sung cho nhau.
Các học giả này nhận định, căng thẳng thương mại Trung - Mỹ đã “mở đường” để Bắc Kinh và Moscow ngày càng phát triển sâu rộng mối quan hệ hợp tác kinh tế song phương.
"Xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ có tác động bất lợi đến nền kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của cả Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra một số cơ hội nhất định cho sự phát triển hợp tác kinh tế giữa Nga và Trung Quốc”, Sun Zhangzhi - giám đốc của Viện nghiên cứu Đông Âu, Nga và Trung Á tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (IEERCAS) đánh giá.
 Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ chứng kiến lễ ký hai văn kiện chung quan trọng trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Nga trong tuần này.
Theo học giả Sun Zhangzhi, va chạm thương mại liên quan đến chính sách thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang thúc đẩy Nga và Trung Quốc tăng cường kim ngạch thương mại song phương, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và nông nghiệp.
Ông Sun cũng lưu ý, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu đối với Nga đang buộc Moscow phải mở rộng hợp tác với các đối tác thương mại khác, đặc biệt là Bắc Kinh.
Học giả Sun dẫn chứng rằng Trung Quốc trước đây thường nhập khẩu hàng nông sản chủ yếu từ Mỹ và Canada. "Hiện chúng tôi đang đa dạng hóa các nhà cung cấp nông sản, tăng cường việc nhập khẩu mặt hàng này từ các quốc gia khác", ông Sun cho hay, đồng thời nhấn mạnh rằng điều này tạo một cơ hội thuận lợi cho ngành nông nghiệp Nga.
Trong khi đó, Trung Quốc, nhà nhập khẩu đậu nành lớn nhất thế giới, được cho là đã ngừng mua đậu nành của Mỹ trong bối cảnh xung đột thương mại Trung - Mỹ bất ngờ tăng nhiệt từ giữa tháng 5/2019 sau khi vòng đàm phán thương mại thứ 11 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận.
Cũng trong tháng 5 vừa qua, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tăng thuế từ 10 - 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc. Ngay sau đó, Bắc Kinh cũng áp thuế trả đũa đối với 60 tỷ USD hàng hóa của Mỹ từ ngày 1/6.
Hợp tác năng lượng Nga - Trung phát triển
Giáo sư Zhao Huasheng tại trường Đại học Fudan có trụ sở tại Thượng Hải cho rằng, Nga và Trung Quốc trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực năng lượng trong bối cảnh mặt hàng khí hóa lỏng tự nhiên (LNG) của Mỹ xuất sang Trung Quốc đang có nguy cơ bị đánh thuế 25%. Bắc Kinh được cho sẽ nhắm mục tiêu vào khí hydrocarbon của Mỹ để trả đũa việc tăng thuế của chính quyền ông Trump.
Giáo sư Zhao nhấn mạnh thêm: "Khí đốt tự nhiên là một lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển giữa Moscow và Bắc Kinh. Mặc dù chúng ta đang thiếu khí đốt, Trung Quốc đã bắt đầu nhập khẩu LNG của Nga, được vận chuyển từ Bắc Băng Dương đi qua Vịnh Bohai. Trong tương lai, nguồn cung LNG từ Nga sẽ tăng đáng kể".
 Nga đã bắt đầu xuất khẩu LNG sang thị trường Trung Quốc.
Ngoài dự án Power of Siberia, được tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) ký kết  hồi vào tháng 5/2014, nhằm cung cấp 38 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên mỗi năm cho Trung Quốc, Nga đã bắt đầu xuất khẩu LNG sang thị trường của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Nga hiện đang sở hữu 2 nhà máy LNG -  nhà máy Yamal LNG của Novatek trên bán đảo Yamal ở Bắc Cực, và nhà máy còn lại là Sakhalin-2 của Gazprom ở vùng Viễn Đông.
Trước đây, chính quyền Washington đã thuyết phục Bắc Kinh mua thêm mặt hàng khí đốt. Tuy nhiên, Reuters hôm 10/5 nói rằng không có chuyển tàu nào vận chuyển LNG từ Mỹ sang Trung Quốc trong tháng 3 và 4  vừa qua, theo dữ liệu vận chuyển của Refinitiv Eikon.
Theo tờ The Hill, Mỹ mới thực hiện được 4 chuyến tàu xuất khẩu LNG sang Trung Quốc trong vòng 6 tháng qua, giảm mạnh so với con số 35 chuyến trong 1 năm trước đó. Tờ báo Mỹ cũng cảnh báo rằng chính sách thuế quan của Trung Quốc và quyết định “quay lưng” với khí đốt của Mỹ khiến các dự án xuất khẩu LNG của Washington gặp thêm rủi ro.
Theo kế hoạch, Chủ tịch Trung Quốc sẽ bắt đầu thăm chính thức Nga từ ngày 5 - 7/6 và dự kiến sẽ tham dự Diễn đàn kinh tế quốc tế tại TP St Petersburg. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Zhang Hanhui, Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ chứng kiến lễ ký 2 văn kiện chung quan trọng trong chuyến thăm cấp nhà nước của nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Nga, gồm một tuyên bố chung về kế hoạch phát triển toàn diện và hợp tác chung giữa Moscow và Bắc Kinh; một tuyên bố về các vấn đề liên quan đến sự ổn định chiến lược quốc tế.