Nga và bài toán lôi kéo viện trợ tái thiết Syria

Tú Anh (Theo Bloomberg)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh cuộc nội chiến Syria đang đến hồi kết, Nga đã tính tới kịch bản xa hơn sau đó.

Nga đang thúc giục Đức và Pháp phá vỡ một số cam kết với đồng minh Mỹ và giúp tái thiết Syria để người di cư có thể trở về quê hương của họ, theo một cố vấn cấp cao của chính quyền Nga.

 Ảnh minh họa.

Hiện có rất ít khả năng về một thỏa thuận với Mỹ trong khi Washington vẫn kiên quyết giữ quân ở Syria cho đến khi Iran rút lui, theo cố vấn Vitaly Naumkin cho biết.Nga thay vào đó đang tập trung tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Kế hoạch được đưa ra theo yêu cầu của châu Âu nhằm vượt ra khỏi những luật lệ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

“Tôi không thấy lý do nào để châu Âu luôn phải hạ mình trước Washington,’’ ông Naumkin, cố vấn cấp cao của Nga về chính sách Syria nói. “Nếu châu Âu cho rằng có thể rũ bỏ ông Assad và để một số phe đối lập lên nắm quyền, thì họ đang tưởng tượng”

Về một số vấn đề Trung Đông, như việc bảo vệ thỏa thuận hạt nhân của Iran, Liên minh châu Âu đã đứng về phía Nga đối đầu lại chính sách của Mỹ dưới thời ông Donald Trump. Và bà Merkel nói riêng có động cơ giúp Syria hồi phục sau cuộc nội chiến. Cuộc khủng hoảng di cư châu Âu, bắt nguồn từ hàng trăm ngàn người tị nạn Syria, đang khiến uy tín của bà Merkel suy giảm trên chính trường.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng đề cập vấn đề đóng góp tài chính để tái thiết Syria với bà Merkel khi họ gặp nhau tại cuộc gặp ở Berlin vào tháng 8. Ông Putin nhấn mạnh mối đe dọa rằng làn sống người tị nạn tìm đến châu Âu sẽ gia tăng nếu Syria không được tái thiết sau cuộc nội chiến.

“Tại sao không giúp đỡ?”

Nhưng cả bà Merkel lẫn phần còn lại của châu Âu đều không hòa hợp với Nga về vấn đề Syria. Đối với ông Putin, điều đó làm tăng nguy cơ Moscow bị mắc kẹt trong một vũng lầy. Sự can thiệp quân sự Nga tại đây đã giúp bảo vệ chính quyền Tổng thống Assad, tuy nhiên chi phí tái thiết Syria hậu chiến tranh được Liên Hợp quốc ước tính lên tới 250 tỷ USD. Theo đó, Nga đang kêu gọi các quốc gia châu Âu tham gia đóng góp quá trình này, bao gồm xây dựng lại nhà cửa, trường học, bệnh viện và đường xá cho Syria, tuy nhiên các cường quốc phương Tây hiện vẫn đang từ chối lời mời nói trên.

Các nhà lãnh đạo EU và Mỹ cho rằng cần phải có người thay thế Tổng thống Assad, và ông này phải chịu trách nhiệm cho sự thiệt mạng của hàng trăm ngàn người trong chiến tranh, và sự bất ổn của Syria dưới thời ông làm Tổng thống.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas tháng trước cho biết nước này sẽ hỗ trợ tài chính cho việc tái thiết Syria nếu như có giải pháp chính trị dẫn tới một cuộc bầu cử tự do. Nhưng nếu ông Assad tiếp tục tại nhiệm thì Đức sẽ không viện trợ, theo hai giới chức Đức thạo tin, bởi ông Assad được Berlin coi là chướng ngại vật cho quá trình hướng tới một cuộc bầu cử tự do. Trong khi đó, Pháp sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh về Syria của Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ nếu không có một cuộc chuyển giao chính trị, theo một nhà ngoại giao nước này giấu tên.

“Không có người thay thế ông Assad”

Chính quyền Tổng thống Assad đã giành lại phần lớn lãnh thổ Syria khỏi tay phiến quân với sự giúp đỡ của Nga và Iran, trong khi đó ông Assad tỏ ra không cần củng cố quyền lực. 

Khu vực lớn nhất còn nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền Tổng thống Assad, khu vực phía Đông Bắc, đang nằm trong tay các chiến binh người Kurd, được hậu thuẫn bởi 2,000 quân đội Mỹ. Việc này giúp ông Trump có “quân bài” để trục xuất lực lượng Iran khỏi Syria nếu muốn.

 “Không thỏa thuận nào có khả năng thành hiện thực nếu không có sự hiện diện của Mỹ”, chuyên gia Raghida Dergham của Viện Beirut khẳng định. “Tôi không nghĩ các nước châu Âu có khả năng hay ít ra sẵn lòng đi theo hướng đi đó”, ông nói.

Quan điểm của Nga là việc ông Assad xuống chức có thể khiến Syria tan rã, rằng những đối thoại hòa bình do Liên Hợp quốc ủng hộ ở Geneva có thể đạt hiệu quả tốt nhất về một quá trình chia sẻ quyền lực, cố vấn Naumkin nói. “ Hiện không có nhân vật nào thay thế” cho ông Assad, người có thể đắc cử dễ dàng trong một cuộc bầu cử tự do, ông Naumkin nhận định.

Bên cạnh đó, chi phí tái thiết Syria có thể đến từ một số nguồn khác ngoài các quốc gia châu Âu. Ví dụ như Trung Quốc từng khẳng định khả năng tham dự việc này.

Ông Naumkin cũng khẳng định các nguồn cung năng lượng mà Mỹ đang nắm giữ ở phía đông bắc là nguồn thu nhập chính của Syria. “Ông Assad, để tồn tại, cần phải có dầu mỏ”, ông Naukim nói.