Nga: Việc từ chối đề xuất của Tổng thống Putin về INF là thiếu trách nhiệm đối với an ninh châu Âu

Nguyễn Phương (Theo Sputnik)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) là “sai lầm nghiêm trọng”, có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân.

Ngày 28/10, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra đề xuất về việc thực hiện Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) nhằm mục đích ngăn chặn các cuộc khủng hoảng tên lửa mới ở châu Âu.
Tổng thống Putin nói rằng việc Mỹ rút khỏi hiệp ước INF là sai lầm nghiêm trọng, có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân.
"Các đề xuất này hết sức nghiêm túc, do đó cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Những đề xuất này đòi hỏi sự hiểu biết cơ bản và thể hiện rõ chính sách của lãnh đạo Liên Bang Nga đó là mong muốn giữ ổn định tình hình quân sự và chính trị ở châu Âu”, ông Ryabkov giải thích rõ thêm về nỗ lực ngăn chặn triển khai các tên lửa mới tại châu Âu.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga lưu ý thêm rằng những người cố gắng "phớt lờ" và thậm chí "không quan tâm" đến các sáng kiến ​​của Tổng thống Putin liên quan đến hiệp ước INF cho thấy "một cách tiếp cận khá vô trách nhiệm trong việc đảm bảo an ninh tại châu Âu".
Trước đó, hôm thứ Hai tuần này, Tổng thống Putin tái khẳng định cam kết của Nga về việc tạm hoãn triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn với điều kiện Mỹ không có tên lửa tại khu vực trong bối cảnh gia tăng các mối đe dọa mới đối với an ninh châu Âu.
Tổng thống Putin nói rằng việc Mỹ rút khỏi hiệp ước INF là “sai lầm nghiêm trọng”, có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân.
Theo Tổng thống Nga, hiệp ước INF là một yếu tố quan trọng của cấu trúc an ninh toàn cầu và các mối đe dọa đối với nó ở châu Âu là điều “rõ ràng” do căng thẳng giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Moscow nói thêm rằng, Nga đã sẵn sàng thực hiện các bước đi cần thiết để giảm bớt tác động do sự sụp đổ của hiệp ước INF. “Chúng tôi cũng kêu gọi tất cả các nước quan tâm tìm kiếm kế hoạch duy trì sự ổn định và ngăn chặn các cuộc khủng hoảng tên lửa trong một thế giới không có Hiệp ước INF liên quan tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chúng tôi sẵn sàng làm việc chung theo hướng này”, Tổng thống Putin nêu rõ.
Vào tháng 2/2019, Mỹ thông báo sẽ rút khỏi hiệp ước INF được ký kết với Nga năm 1987, với lý do Nga đã vi phạm hiệp ước này. Tới tháng 8/2019, Mỹ đơn phương rút khỏi INF và tuyên bố rằng Moscow “hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự sụp đổ của hiệp ước”.
Điện Kremlin đã nhiều lần bác bỏ những cáo buộc này và cho Mỹ cơ hội tiếp tục thảo luận về việc thực hiện hiệp ước, nhưng Nhà Trắng từ chối.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần