Ngại đi khám vì sợ “bệnh xã hội”: Hậu quả đắng

Hà Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều ông chồng có cuộc sống không lành mạnh, khi phát hiện bệnh thường giấu giếm hoặc tự điều trị mà không biết đôi khi đó là bệnh ung thư. Tại Bệnh viện (BV) K, có đến trên 90% bệnh nhân bị ung thư dương vật (UTDV) điều trị không đúng bệnh trước khi đến khám. Điều này khiến cho công tác điều trị khó khăn và bệnh di căn nguy hiểm tới tính mạng.

Bệnh nhân lấy mẫu máu xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn. Ảnh: Thanh Hải
Bệnh nặng do điều trị sai
Mới đây, anh Nguyễn Văn T., 24 tuổi (quận Ba Đình) đến khám tại BV K sau 19 tháng kể từ khi thấy u sùi nhỏ ở đầu dương vật (DV). Khi bắt đầu thấy nốt sùi, anh T. đã tự đắp thuốc đông y 7 tháng, không có kết quả nên a chuyển sang bôi, rửa và đến phòng khám tư tiêm kháng sinh. Bệnh không khỏi nên anh đành đến viện khám trong tình trạng toàn bộ DV bị loét, sùi, chảy dịch hôi, hạch bẹn hai bên to, rắn dính. Bệnh nhân được phẫu thuật cắt bỏ cơ quan sinh dục ngoài và vét hạch bẹn hai bên và xạ trị bổ trợ. Sau 3 tháng xuất hiện ho ra máu, chụp Xquang cho thấy, bệnh nhân đã bị di căn phổi.

Cũng giống anh T., ông Trần Ngọc H., 83 tuổi (quận Hai Bà Trưng), sau 2 tháng tự điều trị, phải đến BV K vì vết mổ sùi loét, hôi thối, dùng kháng sinh không khỏi. Trước đó, ông cũng có hiện tượng giống bệnh nhân T. nhưng ngại đến BV vì nghĩ điều trị đơn giản. Khi bác sĩ kết luận ông bị UTDV, ông mới ngỡ ngàng hối hận thì đã muộn. Còn tại BV Đa khoa Hồng Hà, trường hợp anh Nguyễn Văn Q., 43 tuổi (quận Long Biên) đến khám vì nghi viêm nhiễm DV, anh có hiện tượng sùi và chảy máu đầu DV. Kết quả sinh thiết cho thấy, anh đã bị ung thư.
Để tránh UTDV nên giải quyết sớm tật hẹp bao quy đầu bẩm sinh và thực hiện các biện pháp vệ sinh sinh dục; sống chung thủy một vợ, một chồng, không hút thuốc lá và đặc biệt khi thấy có sự bất thường ở đầu DV cần đi khám và điều trị ngay.
GS.TS Nguyễn Ngọc Kha - Phụ trách khoa ung bướu BV Hồng Hà cho biết, đa số bệnh nhân đến khám đều nghĩ rằng mình chỉ bị viêm nhiễm hoặc mắc bệnh hoa liễu chứ không nghĩ đến ung thư. Thực tế, biểu hiện ban đầu của bệnh cũng là những vết sùi loét... và người xưa cũng coi đây là “bệnh xã hội”. Họ không biết rằng, các biểu hiện của ung thư giai đoạn đầu thường mượn các biểu hiện của những bệnh viêm nhiễm thông thường để ẩn nấp. Chẳng hạn như UTDV giống viêm nhiễm, hoa liễu; ung thư thanh quản lại giống bệnh viêm thanh quản, khàn tiếng...

Kết quả nghiên cứu trên 337 bệnh nhân bị UTDV tại BV K cho thấy, đa số bệnh nhân đến viện muộn (56,7% số trường hợp vào viện sau 6 tháng kể từ khi xuất hiện thương tổn, 28,8% để bệnh kéo dài trên một năm). 92,9% điều trị không đúng như tự chữa bằng cách bôi, đắp thuốc đông y, tây y, dùng kháng sinh hoặc trải qua các biện pháp như cắt, rạch, chích nạo ở các cơ sở y tế không chuyên.

Bác sĩ Trần Anh Tuấn - Khoa ngoại C, BV K cho biết, nhiều nghiên cứu cho thấy, bệnh hoa liễu có liên quan nhiều đến UTDV, đặc biệt là giang mai. Quan hệ tình dục là con đường lây truyền một số bệnh hoa liễu. Gần đây, những kết quả xét nghiệm về gen đã chứng minh được vai trò của HPV gây ra những thương tổn tiền ung thư cổ tử cung và UTDV. Trong số 337 người bị UTDV được nghiên cứu chủ yếu gặp ở những người có quan hệ tình dục: 98,2% (2,7% có từ 2 vợ, 5,3% có quan hệ tình dục với những phụ nữ khác). Đa số bệnh nhân có nhiều con: 73% trường hợp có từ 3 – 8 con. Những người có 30 bạn tình thì nguy cơ mắc UTDV tăng 28 lần, trong khi ở nhóm bình thường chỉ có 10%.

Điều trị sớm, tỷ lệ sống cao

GS.TS Nguyễn Ngọc Kha khuyên, nếu bị bệnh hoa liễu, chỉ cần điều trị kháng sinh, bệnh sẽ đỡ hoặc khỏi. Còn khi đã điều trị kháng sinh, bệnh không khỏi hoặc tái phát nặng hơn thì phải nghĩ đến ung thư và đi khám ở các cơ sở y tế chuyên khoa. UTDV là bệnh tiến triển chậm, nếu được điều trị sớm không những bảo tồn được “thằng nhỏ” mà còn bảo tồn cả chất lượng cuộc sống. Khi đã ở giai đoạn muộn, có hạch, ngoài việc khó bảo tồn, quá trình phẫu thuật vét hạch và xạ trị bổ trợ cũng gây nhiều khó khăn và biến chứng cho người bệnh. Đặc biệt, khi bệnh đã di căn lên hạch chậu và lên ổ bụng (gan, phổi)... việc bảo tồn tính mạng sẽ rất khó khăn.

Còn theo bác sĩ Tuấn, trong các loại ung thư, UTDV là một trong những bệnh có tỷ lệ sống cao. Nếu bệnh nhân chưa có di căn hạch, tỷ lệ sống thêm sau 5 năm (coi như khỏi bệnh) có thể đạt tới 100%. Thực tế cho thấy, những bệnh nhân đến điều trị ở giai đoạn muộn, tổn thương thường xâm lấn lan rộng, tỷ lệ di căn hạch cao, thậm chí di căn nhiều hạch... ngay cả phẫu thuật rộng rãi cũng chỉ mang tính chất tạm thời, kể cả hóa trị hay xạ trị. Nhiều nghiên cứu cho thấy, hầu như bệnh nhân đều chết sau 24 tháng từ khi nạo vét hạch và 60 tháng kể từ khi cắt bỏ khối u...