Ngắm nét cổ kính với kiến trúc độc đáo của Tháp Bà Ponagar Chămpa ở Nha Trang

Bài và ảnh Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các đền tháp trên đồi Cù Lao xứ Kauthara, được người Chăm xây dựng từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIII dưới vương triều Panduranga. Đền tháp thờ Nữ thần Ponagar là Mẹ Xứ sở của người Chăm, ngày nay người dân thường gọi là Tháp Bà Ponagar.

 Đứng ở phía trong cổng khu vực Tháp Bà nhìn vào, các tháp ở phía trên đỉnh đồi Cù Lao. Các hàng cột phía dưới.

Tháp Bà Ponagar thuộc phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, tình Khánh Hòa là một quần thể kiến trúc lớn, bao gồm khu Tháp Cổng, Mandapa và khu đền tháp. Trải qua biến cố của thời gian, hiện tại Tháp Bà Ponagar chỉ còn 2 khu: Gồm Mandapa (tiền đình) và Khu đền Tháp.
Khu Mandapa: Được xây dựng có bốn hàng cột lớn bằng gạch nung, với  10 cột lớn và 12 cột nhỏ hình bát giác. Theo truyền miệng và một số nghiên cứu cho rằng, khu vực này là để các tín đồ chuẩn bị lễ vật trước khi vào hành lễ trong đền tháp.
 Khu vực cột phía dưới và trước mặt Tháp Bà.

Khu đền tháp: Có 4 tháp là Đông Bắc, Tháp Nam, Tháp Đông Nam và Tháp Tây Bắc. Các tháp Chăm ở đây được xây dựng theo bình đồ hình vuông. Mỗi tháp đều có bốn cửa ở bốn hướng đông, tây, nam, bắc. Ba cửa ở ba hướng tây, nam và bắc chỉ là những ô cửa giả. Riêng cửa phía đông được mở ra và kéo dài như một tiền sảnh.
Tháp Đông Bắc là tháp chính, cao khoảng 23m. Tháp này được xây dựng lần đầu vào các năm 813 – 817 và xây dựng lại vào khoảng giữa thế kỷ XI. Bốn góc mái có bốn tháp nhỏ với 3 tầng mái thu nhỏ dần về phía trước. Trên mái được trang trí những linh vật như: voi, ngỗng, dê… tiêu biểu cho quan niệm tôn giáo của người Chămpa. Người dân được vào tham quan, kính lễ đức Mẹ Chămpa, nhưng không được quay phim, chụp ảnh. Tháp thờ đức Mẹ Thiên Y A Na.
 Tháp Đông Bắc là tháp chính, có tầng mái thu nhỏ về phái trước.
Tháp Nam (tháp Ông), cao 18m, là tháp cao và quy mô lớn thứ hai sau tháp Đông Bắc. Tháp được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIII. Đây là nơi người Chămpa thờ thần Shiva, hay còn gọi là thờ đức ông là chồng đức Mẹ Thiên Y A Na - Ponagar.
Tháp Đông Nam, là tháp có quy mô nhỏ và thấp nhất. Chỉ cao 7,1m và hình dáng cũng đơn giản. Tháp  Được xây dựng vào khoảng thế kỷ XI – XII. Tháp thờ thần Skandha, là vị thần tượng trưng cho sức mạnh, chiến tranh. Và cũng là tháp thờ cha mẹ của bà Thiên Y A Na.
Tháp Tây Bắc, tháp cao 9m, được xây dựng muộn nhất vào khoảng thế kỷ XIII. Theo truyền thuyết, đây là tháp thờ thần Ganesha – vị thần biểu tượng của may mắn, trí tuệ và hạnh phúc. Theo người dân địa phương, tháp còn thờ các con của đức Mẹ Thiên Y A Na.
Phía sau tháp chính còn có tấm bia do Thượng thư bộ Lễ Phan Thanh Giản, một vị quan triều Nguyễn ghi chép, biên soạn và khắc vào năm 1856 nói về truyền thuyết Thiên Y A Na - Thánh Mẫu của người Việt.
Quần thể Tháp Bà Ponagar Chămpa, hình thành và phát triển khẳng định tín ngưỡng bản địa thờ thần, thờ Mẫu của người Việt có từ rất sớm. Khu di tích Tháp Bà ở Nha Trang hội tụ các giá trị truyền thống, giao lưu văn hóa, nghệ thuật điêu khắc thông qua việc xây dựng đền tháp với kiến trúc hoa văn độc đáo, thể hiện sự đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc. Năm 1979 Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích Tháp Bà Ponagar là di tích Quốc gia.
Sau đây là một số hình ảnh về khi di tích Tháp Bà Chămpa - Nha Trang:
 Nhìn từ phía sau của Tháp Bà (tháp chính).

 Giữa 2 Tháp Bà và Tháp Ông.

 Tháp Nam (Tháp Ông). Mái trước và mái sau có phần tách riêng hơi cong về phía trước.

Theo người dân địa phương, thời điểm nào trong năm Tháp Bà Chămpa thu hút rất đông du khách đến tham quan .

 Người dân chen nhau vào làm lễ tại Tháp Bà.

 Phía trước mái là tượng đức Mẹ Thiên Y A Na. Trên mái Tháp Bà được gắn rất nhiều linh vật theo tín ngưỡng của người Chăm.

 Tường và mái phía sau của Tháp Bà được xếp bằng gạch đỏ, qua thời gian nhưng vẫn còn vẹn nguyên. Trên mái cũng có gắn những linh vật.

 Toàn bộ phần đế và thân của đền Tháp Bà phía sau.

 Phái sau của Tháp Ông. Bên cạnh về phía tay phải màn hình là Tháp Đông Nam, là tháp có quy mô nhỏ và thấp nhất trong quần thể.

 Nhìn vào cạnh từ pháp sau Tháp Ông.