Ngăn chặn bạo hành trẻ em: Vẫn thiếu chế tài nghiêm khắc

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về pháp luật trong xử lý các hành vi bạo lực, bạo hành và xâm hại trẻ em.

Đó là đề xuất được đưa ra tại hội thảo bàn về việc nâng cao vai trò MTTQ trước thực trạng này vừa được tổ chức.
Vướng mắc về quy định và thực tiễn áp dụng
Theo số liệu của Bộ Công an, trong 2 năm 2017 - 2018 và 3 tháng đầu năm 2019, toàn quốc đã xảy ra 3.449 vụ xâm hại trẻ em với 3.546 trẻ em bị xâm hại. Số lượng vụ việc xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý có giảm nhưng không nhiều, tính chất của các vụ xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng.
Dẫn số liệu trên, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) Đặng Hoa Nam cho rằng: Công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn chưa hiệu quả. Nhận thức và kỹ năng của cha mẹ, thành viên trong gia đình, giáo viên, cộng đồng và chính bản thân trẻ em về vấn đề bảo vệ trẻ em còn chưa đúng, đủ.
 Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, nhiều quy định, pháp luật chính sách cụ thể liên quan đến bảo vệ trẻ em nói chung; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng vẫn đang trong quá trình rà soát, nghiên cứu, kiến nghị hoàn thiện. Quy định pháp luật về quy trình tư pháp bảo vệ trẻ em, thân thiện với trẻ em và người chưa thành niên chưa cụ thể, vẫn chủ yếu ở mức độ hướng dẫn và mô hình thử nghiệm.
Qua theo dõi của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban này, ông Nguyễn Văn Pha cũng cho biết, đến nay, số vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nhiều hơn, mức án cũng nghiêm khắc hơn so với trước.
Tuy nhiên, về cơ bản các kết quả nêu trên vẫn chưa đáp ứng được tình hình. Số vụ xâm hại vẫn có chiều hướng gia tăng với mức độ nghiêm trọng hơn, việc xử lý các hành vi xâm hại trẻ em có một số khó khăn, vướng mắc về quy định pháp luật, thực tiễn áp dụng pháp luật...
Sớm bổ sung các quy định trong lĩnh vực trẻ em
Để giải quyết vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em, nhiều ý kiến từ các chuyên gia, thành viên Ủy ban MTTQ Việt Nam đã đề xuất, cơ quan chức năng cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giám định tư pháp, Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trẻ em...
Cùng với đó, hoàn thiện và thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo hành, xâm hại và can thiệp kịp thời các vụ việc trẻ em bị bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em. Đồng thời, tăng nguồn lực cho công tác bảo vệ trẻ em như: Bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em; bố trí ngân sách địa phương để thiết lập, triển khai các hoạt động cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, thành lập chuyên trách bảo vệ trẻ em cấp xã…
Theo ông Đặng Hoa Nam, MTTQ phải đưa công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em đến Ban công tác Mặt trận ở địa bàn dân cư. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em của các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương.
Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa cũng đề nghị, UB T.Ư MTTQ Việt Nam nghiên cứu, xem xét, bổ sung nội dung bảo vệ trẻ em vào nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. MTTQ các cấp nghiên cứu để có các hình thức lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của trẻ em.
Khẳng định trách nhiệm của MTTQ trong việc phối hợp để chăm sóc, bảo vệ trẻ em, Phó Chủ tịch UB T.Ư MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cũng đồng tình, Ban công tác Mặt trận sẽ tuyên truyền, vận động Nhân dân, cũng như giám sát việc thực thi pháp luật; phát hiện kịp thời, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng về hành vi vi phạm pháp luật về công tác bảo vệ trẻ em.

"Mặt trận cũng thực hiện trách nhiệm phản biện xã hội đối với Dự thảo, chính sách và việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan tới trẻ em, để hoàn thiện hơn các chính sách." - Phó Chủ tịch UB T.Ư MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần